Sau vụ bắt cóc 276 nữ sinh tại một trường học ở miền Bắc Nigeria, cả thế giới đã hướng sự chú ý đến ngôi làng Chibok và đài CNN là cơ quan thông tấn đầu tiên cử một nhóm nhà báo đến tận hiện trường xảy ra sự việc.
Điều đáng nói là chẳng ai muốn hộ tống để bảo vệ an ninh cho các nhà báo khi họ đến Chibok thuộc bang Borno - vốn được xem là lãnh địa của Boko Haram. Thống đốc bang Borno đã khẳng định: “Đây là khu vực trung tâm hoạt động của Boko Haram”.
Linh hồn nhập vào đàn bò
Cuộc hành trình từ thủ đô Abuja của Nigeria đến vùng nông thôn xa xôi Chibok mất khoảng 8-10 giờ nhưng sự chuẩn bị về hậu cần và an ninh mất đứt 4 ngày. Dọc đường đến Chibok, người ta gặp những đứa trẻ bán đậu phộng và bịch nước. “Allah ya kiyaye. Allah ya kiyaye” - chúng luôn miệng nói bằng tiếng Hausa lời cầu nguyện thánh Allah cho họ đi đường bình an.
Trước đó, các nhà báo đã được cảnh báo về mối nguy hiểm của chuyến đi: Boko Haram ẩn nấp trong bụi cây dọc theo đường đến Chibok, đón đầu những chiếc xe đơn độc chạy qua và bắn vào xe trước khi biến vô rừng Sambisa.
Ba trong số các nữ sinh ở Chibok trốn thoát đi đến Maiduguri, thủ phủ bang Borno, để khai báo
Ảnh: THE ATLANTIC
Đường đi được trải nhựa đến thị trấn Damboa, nơi có con đường dẫn tới làng Chibok. Từ đây không còn đường trải nhựa nữa, tài xế phải liên tục quẹo trái, ngoặt phải để tránh ổ gà. Damboa cũng là nơi có trạm kiểm soát an ninh cuối cùng trên suốt đường đi của cánh nhà báo. Tại trạm kiểm soát này, những chàng trai ở độ tuổi 20 tự nguyện làm dân phòng, đeo súng, dao, cung tên. Trong số họ có cả những người từng đứng trong hàng ngũ Boko Haram.
Trước đó, người đi đường phải thường xuyên dừng lại vì các trạm kiểm soát của quân đội, cảnh sát và dân phòng chỉ cách nhau vài phút chạy xe. Vậy mà con đường dẫn đến ngôi làng được cả thế giới chú ý vì xảy ra hành động tàn bạo lại chẳng có trạm kiểm soát nào.
Đây là thời điểm đáng sợ đối với cánh nhà báo vì họ có thể bị Boko Haram tấn công từ bất cứ hướng nào trên đường. Khi Boko Haram thường xuyên đến quấy nhiễu, người dân đã tự đứng lên chống lại. Trước đây, Damboa từng là điểm nóng để Boko Haram tuyển mộ chiến binh nhưng sau đó, nhiều thanh niên đã rời bỏ khu vực được xem là lãnh địa của tổ chức này.
Một người dân địa phương nhắc nhở các nhà báo không bao giờ cho xe chạy gần đàn bò vì “linh hồn của Boko Haram có thể nhập vào chúng”. Đó là niềm tin phổ biến ở đây. Người dân Chibok tin rằng Boko Haram gửi linh hồn vào đàn bò. Do đó, khi gặp đàn bò, mọi người luôn phải đợi chúng đi qua.
Theo báo The Atlantic, người dân địa phương - vốn sợ hãi những chiến binh không có kế hoạch và mục tiêu rõ ràng trên đường phá hoại - xem Boko Haram là lực lượng có những đặc điểm siêu nhiên. Thực tế, tổ chức này từng xóa sổ hoàn toàn nhiều ngôi làng, như Bulabulin bên đường nay chỉ còn lại cỏ mọc um tùm.
Trên đường đến Chibok có 3 cột ăng-ten viễn thông nhưng điện thoại không hề có tín hiệu phát sóng. Đúng là Boko Haram đã phá hủy hoàn toàn cơ sở hạ tầng khu vực này.
Chỉ khóc và cầu nguyện
Khi rời khỏi Damboa, rẽ vào con đường bụi bặm đầy những ổ gà - được gọi là đường Chibok - cánh nhà báo đến gần với khu rừng Sambisa hơn lúc nào hết. Rõ ràng là họ đã bắt đầu bước vào chặng đường nguy hiểm nhất của chuyến đi. Từ lúc này, cánh nhà báo im lặng nhìn ra cửa xe như để tìm xem có dấu hiệu nguy hiểm nào chực chờ họ hay không.
Khi đến Chibok, họ được một người bảo vệ dắt vào ngôi trường cấp II công lập, nơi đã xảy ra vụ bắt cóc tập thể của Boko Haram. Họ bước trên đống gạch vụn đổ nát đi qua những lớp học bị thiêu rụi. Gần đó, 3 người ngồi dưới bóng cây xoài giữa những mảnh vỡ. Đó là hiệu trưởng Asabe Kwambura và 2 người quản lý. Cả ba vẫn đang chờ đợi phái đoàn chính phủ đến để điều tra vụ bắt cóc.
Kéo tấm khăn trùm đầu chấm nước mắt, bà Kwambura kể: “Tôi đã yêu cầu quân đội Nigeria bảo vệ ngôi trường vào đêm xảy ra vụ tấn công nhưng người ta từ chối. Những cô gái bé bỏng của chúng tôi đã không nhận được bất kỳ sự bảo đảm an toàn nào”.
Hai người quản lý dắt các nhà báo đến khu nhà ở của nữ sinh. Nơi đây chỉ còn trơ lại những chiếc khung giường bị cháy sém và mảnh vỡ thủy tinh dưới sàn nhà. “Vào buổi tối 14-4, dân phòng địa phương báo cho các vị chỉ huy quân đội có mấy người đàn ông vũ trang phóng mô tô vào làng, tấn công trường nội trú nữ. Thế nhưng, quân đội đã không triển khai binh sĩ đến Chibok” - luật sư Daniel Wadai - người làng Chibok, từng tham gia mít tinh ở thủ đô yêu cầu cứu các nữ sinh bị bắt cóc hôm 15-4 - nhớ lại.
Ở Chibok, vào lúc rạng đông, các gia đình tề tựu tại những nhà thờ nằm rải rác khắp làng, cả Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, để cầu nguyện cho các bé gái sớm trở về. Tâm trạng chung của người dân là muốn rời khỏi Nigeria bởi chính phủ không quan tâm đến họ. Còn bây giờ, họ chỉ biết khóc và cầu nguyện. Cư dân nơi này không hề cảm nhận được sự ảnh hưởng của ngân sách quốc phòng ước tính lên đến 5 tỉ USD.
Ban ngày, Chibok trông giống như một ngôi làng bình thường nhưng ban đêm là lúc người dân đối diện với nỗi sợ hãi và kinh hoàng. Phụ nữ, người già và trẻ em đi ngủ; đàn ông thức để tuần tra, canh gác. Cư dân Chibok không còn chờ mong gì ở chính phủ nữa. Họ đang cố tự bảo vệ mình.
Ám ảnh Boko Haram
Theo báo The Globe and Mail, thời gian qua, chỉ ở địa hạt Gwoza, cách làng Chibok khoảng 100 km về phía Đông Bắc, 147 người theo đạo Cơ đốc đã bị giết chết, 87 nhà thờ bị thiêu hủy, 15.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa, chẳng ai dám ở trong nhà nữa. Nhìn chung, số vụ bắt cóc ở Nigeria trong nửa đầu năm 2013 chiếm 26% trên toàn thế giới. Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 40.000 người đã rời khỏi miền Đông Bắc Nigeria vì sợ Boko Haram, hầu hết đến Cameroon, Niger và Chad.
Ngoài ra, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan cho biết 12.000 người đã tử vong trong cuộc chiến với Boko Haram. Khi Boko Haram bị đẩy ra khỏi các thành phố lớn ở miền Bắc Nigeria, các làng mạc ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, đặc biệt là khu vực gần nơi ẩn náu của những kẻ chuyên bắt cóc.
Bình luận (0)