Hơn 10.000 lao động Triều Tiên tại Nga và các công ty thuê họ đang hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này có thể mở ra cánh cửa để họ được ở lại Nga.
Một trong những vấn đề được ông Kim hết sức quan tâm là số phận của khoảng 10.000 lao động Triều Tiên tại Nga. Trước đó, vào năm 2017, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã ban hành các biện pháp trừng phạt bổ sung nhắm Triều Triều vì chương trình hạt nhân của quốc gia này. Khi chúng có hiệu lực vào cuối năm nay, toàn bộ lao động Triều Tiên đang làm việc tại Nga sẽ buộc phải về nước.
Hiện những lao động Triều Tiên tại Nga và các công ty thuê họ đang hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này có thể mở ra một cánh cửa mới để họ được ở lại.
Nằm tại một trung tâm thương mại ở thủ đô Moscow, nhà hàng ẩm thực Triều Tiên Koryo dường như đã trở thành một "địa điểm du lịch" trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều Tiên. Nhiều chiếc bàn được ghép lại để phục vụ những nhóm khách lớn. Theo BBC, các nhân viên tại nhà hàng Koryo không muốn chia sẻ về cuộc sống, cũng như tương lai của họ.
Chủ và nhân viên nhà hàng Koryo đều là người Triều Tiên. Ảnh: BBC
Theo Bộ Ngoại giao Nga, lao động Triều Tiên tại Nga còn khoảng 10.000 người, giảm khoảng 40.000 người so với 2 năm trước đây vì lệnh trừng phạt của LHQ.
Theo Bộ Lao động Nga, lao động Triều Tiên làm việc trên khắp nước Nga, với 85% trong lĩnh vực xây dựng. Phần còn lại làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau, từ may mặc, nông nghiệp đến khai thác gỗ… Cũng theo Bộ Lao động Nga, lao động Triều Tiên được trả lương trung bình 415 USD/tháng.
Lao động Triều Tiên tại Nga phần lớn làm việc cho các công ty Triều Tiên, theo BBC. Theo dữ liệu từ hệ thống thông tin doanh nghiệp Spark (Nga), đến cuối năm 2018, có khoảng 300 công ty Triều Tiên đăng ký hoạt động tại Nga, phần lớn do tư nhân sở hữu. Hơn 50% trong số này hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chẳng hạn như Công ty Enisei ở TP Krasnoyarsk.
85% lao động Triều Tiên tại Nga làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: BBC
Bình luận (0)