Quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra một cơn địa chấn khắp Syria, Trung Đông và toàn cầu. Quyết định này khiến nhiều quan chức và nhà quan sát - nhất là ở thủ đô Washington - "lặng người" về những gì sẽ xảy ra nếu Mỹ thực sự rút toàn bộ binh sĩ khỏi Đông Bắc Syria.
Nó cũng gây ngạc nhiên khi trong những tháng gần đây, một số quan chức cấp cao Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ cân nhắc không rời bỏ Syria giữa lúc Iran vẫn can thiệp vào cuộc nội chiến tại quốc gia này.
Do đó, sự hiện diện của quân đội Mỹ dường như được mở rộng từ sứ mệnh chỉ tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sang kìm hãm sự hiện diện của Iran. Một lý do địa chính trị khác giải thích cho sự hiện diện quân sự này là Nga can thiệp vào tình hình Syria từ tháng 9-2015. Quan điểm này được củng cố bằng hành động tăng cường dần lực lượng và xây dựng căn cứ của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Syria trong những tháng gần đây.
Châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống an ninh mà Mỹ để lại, đồng thời giúp tái thiết và ổn định Syria Ảnh: GOV.UK
Giờ đây, quyết định rút quân đột ngột của Washington không chỉ gây ra những rủi ro tiềm tàng về chiến lược mà còn khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ và quan chức châu Âu lo ngại sâu sắc về những hậu quả tức thì. Đáng lo nhất là nguy cơ IS tái tập hợp và hoạt động trở lại.
Các phần tử IS đang nằm im chờ thời tại các thị trấn, thành phố khắp Đông Bắc Syria, nơi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và liên minh quốc tế nỗ lực đẩy lui chúng trong thời gian qua, có thể trỗi dậy một lần nữa. Một mối bận tâm ngắn hạn khác là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang xem sự hình thành một khu vực chủ yếu của người Kurd ở biên giới phía Nam là mối đe dọa chiến lược đối với an ninh quốc gia. Với Ankara, Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và cánh vũ trang Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt đầu tăng cường đe dọa người Kurd và tấn công các khu vực do SDF kiểm soát ở Syria. Quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi Syria đến sau một cuộc điện đàm giữa 2 Tổng thống Trump và Erdogan, dẫn đến suy đoán rằng đây có thể là một phần của thỏa thuận giữa họ.
Sự hiện diện của lực lượng Mỹ được xem là yếu tố chính giúp ngăn Ankara đưa quân vào khu vực của người Kurd ở phía Đông sông Euphrates. Trong những năm gần đây, SDF được hưởng lợi nhờ tình hình ổn định tương đối tại Đông Bắc Syria. Họ lập ra vùng đất gọi là Rojava và thiết lập cả chính quyền dân sự để lãnh đạo nơi này.
Khi lực lượng Mỹ rời đi, Thổ Nhĩ Kỳ có thể không bỏ qua cơ hội xâm chiếm Rojava, qua đó giết chết hy vọng tự trị của người Kurd bên trong một nhà nước liên bang Syria trong tương lai, tương tự những gì họ được hưởng tại Iraq. Cho dù IS trỗi dậy hoặc Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục tiêu vào người Kurd thì một kết cục khó tránh là khu vực Rojava trở nên bất ổn đáng kể. Điều này đe dọa dẫn đến một thảm họa nhân đạo với máu đổ và hàng trăm ngàn người đi tị nạn.
Một kịch bản như thế sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng đối với châu Âu. Đang gặp khó trong việc đối phó làn sóng di cư từ Syria, Liên minh châu Âu (EU) hiện dựa nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn tình hình thêm xấu đi. Do đó, EU và các quốc gia thành viên - đặc biệt là Pháp và Đức - phải sử dụng tất cả công cụ ngoại giao sẵn có để bảo vệ sự ổn định ở khu vực Rojava. Ngoài ra, 2 nước này có thể xem xét các lựa chọn quân sự trong bối cảnh họ là một phần của liên minh quốc tế chống IS.
Pháp được cho là từng hiện diện quân sự tại Rojava và đã tiến hành các chiến dịch không kích đơn phương hiệu quả chống lại IS. Duy trì một Rojava hòa bình bằng cách lấp vào khoảng trống an ninh mà Mỹ để lại ở Syria là hành động táo bạo để bảo vệ nhân loại của các cường quốc châu Âu. Động thái này cũng sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ và dứt khoát đến Mỹ cùng toàn bộ thế giới rằng những người yêu tự do ở Syria sẽ không bị bỏ rơi và số phận của họ không phải để mang ra đánh đổi.
Hơn nữa, một bước đi như thế còn đem lại nhiều lợi ích cho châu Âu theo những cách khác nhau. Sự hiện diện quân sự của Pháp - được Đức hỗ trợ - sẽ ngăn chặn được nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo nếu những kịch bản trên xảy ra, đồng thời mở đường cho phép họ đóng vai trò có ý nghĩa ở Syria. Về lâu dài, sự hiện diện quân sự ban đầu của Pháp - Đức có thể được chuyển thành một sứ mệnh dân sự của EU, mở đường cho nỗ lực tái thiết và ổn định miền Đông Bắc Syria.
Cảm thấy xấu hổ vì đã từ bỏ người Kurd ở Syria, thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Lindsay Graham gọi quyết định của Tổng thống Donald Trump là "một vết nhơ cho danh dự của Mỹ". Đã đến lúc châu Âu phải hành động dứt khoát để bảo vệ những người dân bị bỏ rơi ở Rojava và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo khác. Giờ cũng là lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói về ý tưởng lập một quân đội châu Âu bằng cách gửi binh sĩ đến Rojava, lấp vào khoảng trống an ninh Mỹ để lại.
Bình luận (0)