Nhóm học sinh này, được đánh giá là thông minh nhất, đã được chọn lọc từ hơn 5.000 ứng viên để tham gia chương trình các hệ thống vũ khí thông minh nêu trên kéo dài 4 năm tại Viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT).
BIT là một trong những viện nghiên cứu vũ khí hàng đầu ở Trung Quốc và quyết định tiến hành chương trình mới như vừa nêu là bằng chứng cho thấy viện này chú trọng vào phát triển công nghệ AI nhằm mục đích quân sự.
Trên thực tế, Trung Quốc với Mỹ và các quốc gia khác đang chạy đua phát triển các ứng dụng AI có thể dùng cho quân sự - từ tàu ngầm hạt nhân có gắn chip tự học đến các robot siêu nhỏ có thể bò vào mạch máu con người.
31 học sinh Trung Quốc được tuyển chọn để huấn luyện trở thành những nhà khoa học chuyên về vũ khí trí tuệ nhân tạo trẻ nhất thế giới. Ảnh: BIT
"Tất cả những em này đều thông minh xuất chúng nhưng chỉ thông minh thôi thì không đủ. Chúng tôi tìm kiếm những phẩm chất khác, như tư duy sáng tạo, sự khao khát chiến đấu, sự kiên trì khi đối mặt với thách thức. Say mê phát triển vũ khí mới là một điều bắt buộc, cũng như chúng cũng phải là người yêu nước" - một vị giáo sư liên quan đến quá trình tuyển chọn cho biết.
Theo chương trình trên, mỗi học sinh sẽ được 2 khoa học gia vũ khí kèm cặp, một người là viện sĩ và một thuộc ngành công nghiệp quân sự.
Sau khi hoàn tất khóa học ngắn ở học kỳ thứ nhất, các học sinh sẽ chọn lĩnh vực chuyên biệt, chẳng hạn như kỹ thuật cơ khí, điện tử hoặc thiết kế vũ khí nói chung. Sau đó, họ sẽ được đưa đến một phòng thí nghiệm quốc phòng thích hợp để có thể phát triển các kỹ năng thông qua trải nghiệm thực hành.
BIT đã tiến hành chương trình trên tại trụ sở của Norinco, một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất Trung Quốc, hôm 28-10 gần đây.
Sau khóa học 4 năm, các học sinh này dự kiến sẽ tiếp tục học lên để lấy bằng tiến sĩ và sẽ trở thành thế hệ lãnh đạo kế tiếp của chương trình vũ khí AI ở Trung Quốc.
Bà Eleonore Pauwels, chuyên gia về công nghệ không gian mạng tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách, Trường ĐH Liên Hiệp Quốc ở New York, đã tỏ ra quan ngại về khóa học do BIT tiến hành nêu trên.
"Đây là chương trình đại học đầu tiên trên thế giới được thiết kế nhằm khích lệ thế hệ trẻ tư duy, thiết kế và triển khai AI nhằm mục đích nghiên cứu và sử dụng trong quân sự".
Theo bà Pauwels, Mỹ cũng có những chương trình tương tự, chẳng hạn chương trình do Cơ quan Dự án Nghiên cứu tiên tiến quốc phòng điều hành, nhưng chúng hoạt động khá bí mật và chỉ tuyển mộ các khoa học gia có uy tín.
Trái lại chương trình của BIT dường như tập trung nhiều hơn vào đào tạo thế hệ trẻ nhằm mục đích vũ khí hóa AI.
Còn ông Stuart Russell, giám đốc Trung tâm Các hệ thống thông minh tại Trường ĐH California, Berkeley, nhận xét chương trình của BIT là một "ý tưởng tồi".
"Máy móc không bao giờ được phép quyết định giết người. Những vũ khí như vậy sẽ nhanh chóng trở thành vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hơn nữa, nó làm gia tăng khả năng xảy ra chiến tranh" - ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, khi được yêu cầu bình luận về chương trình của BIT, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận nước này tích cực chú tâm vào phát triển và ứng dụng công nghệ AI để phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ.
Đồng thời, cơ quan này nhấn mạnh họ cũng nhận thức rõ về các vấn đề có thể xảy ra với hệ thống vũ khí chết người tự động và đã thúc đẩy khảo sát các biện pháp ngăn ngừa bởi cộng đồng quốc tế.
Thực ra, AI mở ra cho Trung Quốc cơ hội có một kho vũ khí mới trong khi nước này sẵn có chiến lược sử dụng tiến bộ về công nghệ là cách để đạt được mục đích trở thành thủ lĩnh trên toàn cầu.
Được biết, chính phủ Trung Quốc đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc hồ sơ về việc sử dụng vũ khí AI hồi tháng 4 năm nay.
Bình luận (0)