Ngăn giữa là dòng sông Yalu (Áp Lục), nửa bờ phía Trung Quốc - TP Đan Đông - nhộn nhịp đèn màu và văng vẳng tiếng nhạc từ các quán xá lúc đêm về, trong khi nửa bờ phía Triều Tiên chìm trong im lặng và bóng tối.
Nơi kiếm tiền
Triều Tiên là đất nước khép kín tối đa, cơ hội gặp gỡ người dân nước này cũng vì thế rất khó khăn. Tuy nhiên, cứ đến thành phố biên giới Đan Đông sẽ gặp người Triều Tiên ở mọi nơi, đủ mọi thành phần từ doanh nhân, phụ bàn đến tài xế.
Trong suy nghĩ của dân Hàn Quốc, biên giới với Triều Tiên chỉ là khu phi quân sự (DMZ) khét tiếng, không một bóng người nhưng vũ khí lúc nào cũng sẵn sàng chĩa vào nhau. Đan Đông khác hẳn! Nơi đây đem lại cảm giác của một thị trấn ven biển với tàu thuyền neo trong bến, các cặp đôi thả bộ ven mép nước để chụp ảnh cưới. Không cảnh giới an ninh, không lính tuần tra dọc bờ sông, không hàng rào thép gai kéo dài như vô tận.
Bên kia bờ sông Áp Lục, trên phần đất Triều Tiên, lại càng khác hơn. Khung cảnh xưa cũ gần như không hề thay đổi trong vòng 40 năm qua - nhiều người dân Đan Đông nói thế. Vẫn những nhà máy lâu năm và những tòa nhà ám màu thời gian. Theo một người dân Đan Đông, những tòa nhà mới mọc lên đều là nhà kho để chứa hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Với Triều Tiên, Đan Đông là nơi kiếm tiền. Bằng chứng nằm ở cảng hàng hóa của thành phố, nơi đậu đầy xe tải đến từ Triều Tiên, bên trên chất đầy than đá và khoáng sản. Chiều ngược lại, xe xuất phát từ Trung Quốc sang Triều Tiên chở vật liệu và thiết bị xây dựng.
Chính phủ kiểm soát
Dù ở cách xa Bình Nhưỡng nhưng sự phân tầng xã hội trong cộng đồng người Triều Tiên ở Đan Đông vẫn rõ rệt. Tầng lớp trên - quan chức của Đảng Lao động cầm quyền, các doanh nhân - và giới tài xế ăn ở những nơi khác nhau.
Trong những quán nhỏ dựng dọc theo con đường dẫn ra ngoại ô của Đan Đông, hàng chục bác tài dừng chân dùng bữa với bia và thịt, rau cùng các món khác. Không dễ bắt chuyện với họ, thậm chí họ không nhìn vào mắt người lạ.
Trong khi đó, nhóm quan chức và doanh nhân ăn mặc rất giống nhau, đến cả tóc cũng cắt cùng một kiểu. Trên ve áo của họ luôn đeo huy hiệu có chân dung các nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Ở Đan Đông có một hệ thống khách sạn do Chính phủ Triều Tiên điều hành. Phục vụ ở đây trẻ, hơi nhút nhát trước người phương Tây nhưng không quá khó để tán gẫu. Trước đây, thông tin tình báo từ nhiều nước cho biết tình báo Bình Nhưỡng phái phục vụ đến Đan Đông một thời gian dài, giám sát hoạt động của họ và thu tiền lương về cho chính phủ.
Khi được hỏi về điểm khác biệt giữa Triều Tiên và Trung Quốc, một nữ phục vụ ngoài 20 tuổi nhận xét: “Cách suy nghĩ rất khác nhau. Người Triều Tiên làm việc cùng nhau, còn người Trung Quốc mang tính cá nhân”.
Nỗi lo ngại hàng đầu thế giới năm 2014
Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) Nam Jae-joon hôm 23-12 bác bỏ thông tin những phụ tá thân cận của ông Jang Song-thaek, dượng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã chạy sang Trung Quốc xin tị nạn sau vụ thanh trừng chấn động. Phát biểu trước một ủy ban tình báo quốc hội, ông Nam cho biết NIS tin Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thử hạt nhân bất kỳ lúc nào nhưng không phải trong tương lai gần. Ngoài ra, theo NIS, Triều Tiên có thể khiêu khích Hàn Quốc trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2014.
Trong khi đó, tờ Tuần san Châu Á của Hồng Kông dẫn lời các quan chức Trung Quốc cho biết Bình Nhưỡng đang cố lấy lòng Bắc Kinh. Theo họ, Bình Nhưỡng đã giải thích lý do xử tử ông Jang, người có quan hệ thân cận với Bắc Kinh, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác trong các dự án kinh tế chung với Trung Quốc. Ngoài ra, Triều Tiên còn yêu cầu thảo luận về việc ông Kim Jong-un sang thăm Trung Quốc.
Nhận định về tình hình Triều Tiên sắp tới, báo cáo mới của Trung tâm Hành động ngăn ngừa trực thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ dự báo nước này sẽ là một trong những mối lo ngại hàng đầu của thế giới trong năm 2014. Theo báo cáo, những hành động khiêu khích hay tình trạng bất ổn của Bình Nhưỡng sẽ gây lo lắng nhiều hơn cả cuộc nội chiến Syria hoặc tình hình lộn xộn ở Afghanistan.
P.Võ
Bình luận (0)