Đội quân danh dự của quân đội Trung Quốc diễu hành trước quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: Reuters
Thiếu minh bạch
Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm ngoái đã đội lên 21% so với con số công bố chính thức. Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc gửi tới quốc hội Mỹ, trong đó nhấn mạnh tới những thách thức Washington phải đối mặt khi đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng gia tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng.
Lầu Năm Góc cũng thừa nhận việc ước tính chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc gặp không ít khó khăn bởi “sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh và quá trình chuyển đổi nền kinh tế chưa hoàn thiện”.
“Vẫn còn nhiều điều mà chúng ta không biết về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc và đó là một lĩnh vực mà chúng tôi đề nghị Bắc Kinh cần minh bạch hơn", một quan chức Lầu Năm Góc cho hay.
Báo cáo nói trên đưa ra chưa đầy 1 tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc gây bất ổn tại khu vực vì những tuyên bố lãnh thổ ngang ngược, tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Shangri-La) lần thứ 13 ở Singapore.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Đông và hung hăng phủ nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Brunei và Malaysia. Nước này cũng đang có tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông.
Bản báo cáo dài 96 trang của Lầu Năm Góc cũng chỉ rõ Trung Quốc đang chú trọng tới việc chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ có thể xảy ra ở Biển Đông và Hoa Đông, lưu ý tới một cuộc tập trận hồi tháng 10 năm ngoái tên gọi Maneuver-5 ở Tây Thái Bình Dương.
Lầu Năm Góc cho biết đó là cuộc tập trận lớn nhất của Trung Quốc cho tới nay.
"Các khoản đầu tư cho quân đội Trung Quốc đã giúp nước này có khả năng ngày càng tăng nhằm thể hiện sức mạnh ở phạm vi ngày càng xa hơn", báo cáo viết.
Bản báo cáo còn đề cập tới vụ Washington hồi tháng trước phát lệnh truy nã 5 quan chức Trung Quốc và truy tố các quan chức quân đội này tội thâm nhập vào các công ty hạt nhân, năng lượng và kim loại của Mỹ để đánh cắp các bí mật thương mại.
Phần lớn Châu Á ủng hộ Mỹ, xa lánh Trung Quốc
Các nhà hoạch định chính sách ở hầu hết các nước châu Á ủng hộ vai trò tích cực của Mỹ trong khu vực, bất chấp những dự báo cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất.
Đó là kết quả cuộc khảo sát công bố hôm 5-6 do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại Washington thực hiện. Cuộc nghiên cứu được tiến hành tại 11 nước đối với các chuyên gia, những người không làm việc trong chính phủ nhưng được coi là có tầm ảnh hưởng, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ ở phần lớn các nước trừ Trung Quốc đối với chính sách “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Khảo sát cũng cho thấy không ít chuyên gia nhận định tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn đang tăng lên. Tuy nhiên, khi được hỏi điều gì sẽ là tốt nhất cho đất nước thì đại đa số các chuyên gia ở Mỹ cùng các đối tác khu vực là Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan lựa chọn việc Mỹ tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo, cho dù sức mạnh của Washington tương đối suy giảm trong thời gian gần đây.
Thêm vào đó, các chuyên gia ở Đông Nam Á và Ấn Độ mong muốn hợp tác quốc tế hơn, và chỉ một số ít, ngay cả ở Trung Quốc, nói rằng uy thế của Bắc Kinh có lợi nhất cho đất nước của họ.
Nhật Bản được cho là nước sốt sắng nhất với chiến lược nâng tầm ảnh hưởng ở châu Á của Mỹ. Trong khi đó, theo ông Bonnie Glaser – chuyên gia người Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, các nước Đông Nam Á muốn Mỹ có sự hiện diện “âm thầm và liên tục"
“Các nước Đông Nam Á đánh giá cao cam kết của Mỹ đối với tự do hàng hải trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng họ thực sự không muốn chứng kiến sự đối đầu và bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc” – ông Glaser nhấn mạnh.
Bình luận (0)