Theo Reuters, phát biểu trước các phóng viên bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La (SLD) tổ chức ở Singapore từ ngày 31-5 đến ngày 2-6, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nói như vậy. Ông Patrick Shanahan cho biết Mỹ nhiều lần tuyên bố quân đội nước này sẽ thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông và giữ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở. Washington cũng thường xuyên điều tàu chiến tiếp cận trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng phi pháp ở biển Đông.
Trong khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông bằng cách xây dựng căn cứ trên các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép, Bắc Kinh cho rằng đó chỉ là "hành động tự vệ".
Trung Quốc cải tạo Đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters
Tại SLD 2019, tạp chí The Diplomat cho biết sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc được xem là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của diễn đàn.
Ngày 31-5, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời chuyên gia quan hệ quốc tế Stephen Nagy bình luận rằng Trung Quốc đã "giành chiến thắng" trong cuộc đối thoại SLD 2019 khi Nhật Bản và Hàn Quốc không thống nhất được các biện pháp an ninh ở biển Đông.
Theo SCMP, áp lực đối với hoạt động xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở biển Đông đã giảm bớt kể từ khi các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc không thể tổ chức đàm phán về an ninh.
Ông Nagy nói với SCMP: "Nhật Bản nhận thấy Hàn Quốc không tham gia các cuộc đàm phán về một số vấn đề và không tuân thủ các thỏa thuận mà họ đã ký kết một cách trung thực. Nhật Bản chưa sẵn sàng tham gia bất kỳ thỏa thuận nào vì lo ngại Hàn Quốc sẽ không tuân theo".
Theo ông Nagy, nếu Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ có thể tìm ra cách hợp tác thì tầm ảnh hưởng của họ đối với biển Đông và cả Triều Tiên sẽ là không nhỏ. Ngoài ra, nếu Nhật Bản và Hàn Quốc có thể gạt khác biệt sang một bên, đó sẽ là một sự răn đe mạnh mẽ đối với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Một chuyên gia khác của Nhật Bản, ông Toshimitsu Shigemura, cho rằng Ccả Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cần hợp tác cũng như nhượng bộ lẫn nhau.
Bình luận (0)