Đáng chú ý, có 8 nhà lãnh đạo các nước Nam Á tham dự buổi lễ - một điều chưa từng xảy ra trước đây và được tờ Indian Express bình luận là “một hành động đầy hứa hẹn”. Với bước đi này, ông Modi không che giấu ý định tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực. Tuy là nước lớn nhưng quan hệ giữa Ấn Độ và các nước Nam Á không được tốt, tạo điều kiện cho Trung Quốc xen vào.
Sự hiện diện của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại buổi lễ được quan tâm đặc biệt. Đây là lần đầu tiên một thủ tướng Pakistan đến dự lễ nhậm chức của người đồng cấp tại Ấn Độ kể từ khi 2 nước giành độc lập vào năm 1947. Hai ông sẽ có cuộc họp song phương vào ngày 27-5. Những diễn biến này được kỳ vọng sẽ phá băng mối quan hệ giữa 2 láng giềng có vũ khí hạt nhân. Ông Sharif nói: “Pakistan muốn có quan hệ tốt với Ấn Độ và tôi sẽ đến New Delhi với một thông điệp hòa bình”.
Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng sẽ là một trong những thách thức hàng đầu của tân thủ tướng Ấn Độ. Ông Modi thắng cử một phần nhờ lời hứa khôi phục hoạt động sản xuất và đầu tư để tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Về mặt đối ngoại, xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Pakistan và Mỹ sẽ là những mối bận tâm lớn của ông Modi.
Giảm so với 71 thành viên của Thủ tướng mãn nhiệm Manmohan Singh, Hội đồng Bộ trưởng mới của Ấn Độ có 45 thành viên, gồm 24 thành viên nội các, 10 quốc vụ khanh chịu trách nhiệm về các vấn đề độc lập và 11 quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề khác. Đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt có Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) Rajnath Singh giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, ông Arun Jaitley làm Bộ trưởng Tài chính kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, bà Sushma Swaraj giữ chức Ngoại trưởng… Đây được xem là nội các trẻ nhất tại Ấn Độ khi không có thành viên nào trên 75 tuổi.
Bình luận (0)