Các nhân chứng và truyền thông Armenia cho biết các vụ nổ làm rúng động Stepanakert, thủ phủ của khu vực Nagorny-Karabakh tranh chấp, vào tối 10-10.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết lực lượng Azerbaijan đã tiến hành một cuộc tấn công 5 phút sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Binh lính dân tộc thiểu số Armenia đã đáp trả. Bộ Quốc phòng Armenia nói thêm rằng Azerbaijan cũng đang bắn phá một thị trấn.
Ngược lại, theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, Armenia đang "vi phạm trắng trợn thỏa thuận ngừng bắn" và nã đạn vào các vùng Terter và Agdam của Azerbaijan. Tuy nhiên, Armenia phủ nhận.
Trước khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn, từng xảy ra một cuộc giao tranh dữ dội. Các nhà chức trách người Armenia ở Nagorno-Karabakh cho biết Azerbaijan đã bắn tên lửa vào các khu dân cư của TP Stepanakert, trong khi Armenia cáo buộc lực lượng Azerbaijan tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.
Khu vực Nagorno-Karabakh gồng mình sau hai tuần giao tranh dữ dội. Ảnh: Reuters
Ở chiều ngược lại, Azerbaijan tố Armenia đã nã pháo vào các khu vực đông dân cư gần Nagorno-Karabakh và cho biết họ đã bắn trả. Phát biểu với BBC đầu tuần này, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã cảnh báo về một "cuộc diệt chủng" trong khu vực Nagorno-Karabakh, và nói rằng đây là "Armenia, vùng đất của người Armenia"
Hôm 8-10, Armenia cáo buộc Azerbaijan cố tình pháo kích làm hư hại nhà thờ Ghazanchetsots, nhà thờ chính của thành phố Shusha, vốn có lịch sử từ thế kỷ 19 ở Nagorno-Karabakh.
Đồng thời, Azerbaijan nói rằng thành phố lớn thứ hai là Ganja và vùng Goranboy cũng bị pháo kích, với ít nhất 1 dân thường thiệt mạng.
Sau hai tuần giao tranh, Armenia và Azerbaijan đã đồng ý đình chiến tạm thời tại các cuộc đàm phán do Bộ Ngoại giao Nga làm trung gian tại Moscow - Nga vào ngày 9-10.
Lệnh ngừng bắn mong manh cho phép hai nước trao đổi tù nhân và thi thể những người thiệt mạng trong cuộc xung đột vừa qua.
Hơn 300 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải di tản kể từ khi các cuộc giao tranh mới nhất bùng phát vào ngày 27-9. Hai bên đổ lỗi cho nhau về vụ bùng phát bạo lực mới nhất, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Cuộc đàm phán kéo dài trong 10 giờ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan và Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Jeyhun Bayramov. Ảnh: EPA
Cuộc đàm phán kéo dài trong 10 giờ giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan và Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Jeyhun Bayramov. Theo Ngoại trưởng Lavrov, Armenia và Azerbaijan cũng nhất trí khởi động đàm phán hướng tới giải quyết xung đột. Ngoại trưởng Nga mô tả hai nước bắt đầu các cuộc đàm phán "thực sự".
Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan sau đó mô tả cuộc đàm phán là "khá khó khăn" và cho biết Armenia muốn Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Jeyhun Bayramov cho biết tình hình ở Nagorno-Karabakh không thể tiếp tục như ban đầu.
Azerbaijan dự kiến sẽ nắm quyền kiểm soát nhiều nơi hơn và lệnh ngừng bắn sẽ chỉ kéo dài chừng nào Hội Chữ thập đỏ thu xếp để trao đổi thi thể. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ Azerbaijan, cho biết thỏa thuận ngừng bắn là "cơ hội cuối cùng" để Armenia rút lực lượng khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp.
Bình luận (0)