Trong tài liệu gửi lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về giới hạn thềm lục địa (CLCS) mới đây, Bắc Kinh cho rằng thềm lục địa ở biển Hoa Đông là “phần kéo dài về tự nhiên của lãnh thổ Trung Quốc", trong đó có cả quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát và gọi là Senkaku. Bắc Kinh còn nói với CLCS rằng nước này vẫn đang thương thảo với các nước khác về chuyện phân định ranh giới thềm lục địa.
Quần đảo Senkaku nhìn từ trên không. Ảnh: Reuters
Tàu hải giám Trung Quốc thường xuyên kéo đến vùng biển quanh Senkaku
để quấy rối trong thời gian qua. Ảnh: Reuters
CLCS hôm 24-1 cho biết việc xem xét số tài liệu trên sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tạm thời của một hội nghị, dự kiến diễn ra tại New York (Mỹ) từ ngày 15-7 đến 30-8.
Theo công ước Liên Hiệp Quốc, một quốc gia có thể mở rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý nếu có thể chứng minh được rằng thềm lục địa là sự mở rộng tự nhiên của lãnh thổ đất liền nước mình. Khi đó, CLCS có thể đứng ra đánh giá xem những tuyên bố này có căn cứ về mặt khoa học hay không. Dù vậy, bất kỳ tranh cãi về chủ quyền nào phải được giải quyết giữa các bên liên quan, chứ không phải CLCS.
Phản ứng trước thông tin trên, Nhật Bản cho rằng CLCS không nên tham gia vào tranh cãi này. Trong lá thư gửi CLCS, phái bộ Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc khẳng định: “Việc quần đảo Senkaku là một phần cố hữu của lãnh thổ Nhật Bản là điều không có gì phải bàn cãi về mặt lịch sử và luật quốc tế. Quần đảo Senkaku đang nằm dưới sự kiểm soát hợp lệ của Nhật Bản”.
Bắc Kinh đã đáp trả lại lá thư trên bằng cách gọi tuyên bố chủ quyền của Tokyo đối với Senkaku là “phi pháp và không hợp lệ”. Nước này thậm chí còn khẳng định: “Quần đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền cố hữu của Trung Quốc từ thời xa xưa”.
Quần đảo Senkaku được đặt dưới sự kiểm soát của Tokyo từ năm 1895 trước khi bị Washington chiếm đóng từ năm 1945-1972. Sau đó, Mỹ đã trao trả lại Senkaku cho Nhật Bản, một quyết định bị Trung Quốc và Đài Loan phản đối.
Bình luận (0)