Chiến sự nổ ra khắp thủ đô Tripoli của Libya hôm 18-5, chỉ một thời gian ngắn sau khi một số tay súng xông vào tòa nhà quốc hội và đòi cơ quan này ngưng hoạt động. Ít nhất 2 người đã chết và 66 người bị thương trong vụ tấn công tòa nhà quốc hội.
Trong tình trạng bạo lực tệ hại nhất kể từ cuộc nổi dậy lật đổ lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011, đài CNN mô tả nhiều tiếng nổ lớn và tiếng súng vang lên từ phía con đường dẫn đến sân bay của Tripoli. Nhiều con đường bị chặn lại. Một người dân cho biết gia đình ông rời khỏi khu vực ngoại ô Abu Salim phía Nam thủ đô, nơi giao tranh diễn ra ác liệt ngay trên đường phố. Trong khi đó, một bác sĩ thừa nhận các bệnh viện đã huy động đội ngũ y bác sĩ tăng cường làm việc vì số ca thương vong chắc chắn sẽ không nhỏ.
Tại cuộc họp báo đêm 18-5, Bộ trưởng Tư pháp Salah al-Marghani đánh giá tình hình ở Tripoli là nguy hiểm và đáng tiếc, đồng thời kêu gọi mọi người hành động theo luật pháp. Theo ông, không có dấu hiệu cho thấy chiến sự ở Tripoli liên quan đến tình hình bạo lực ở Benghazi tuần trước làm ít nhất 70 người thiệt mạng.
Đại tá Mukhtar Farnana, chỉ huy của một lực lượng tự xưng là quân đội quốc gia Libya, tuyên bố trên đài truyền hình rằng đất nước đang bên bờ vực nội chiến. Ông Farnana nhận định Libya đi đến thời khắc nguy hiểm này bởi quốc hội đã phản bội nhân dân. Theo ông, ủy ban được bầu ra để soạn thảo hiến pháp nên đảm đương luôn công việc của quốc hội. Tuy nhiên, đây chỉ là tuyên bố của một lực lượng đơn lẻ trong khi vẫn còn nhiều tổ chức nổi dậy khác ủng hộ quốc hội.
Các thế lực chính trị hàng đầu ở Libya đã dần đi đến chỗ chia rẽ sâu sắc. Các đảng phái có tư tưởng cộng hòa nhận được sự hậu thuẫn của các tổ chức nổi dậy vũ trang từ Zintan, thành phố miền núi phía Tây. Họ cáo buộc người Hồi giáo chiếm giữ quyền lực, thao túng chính phủ và quốc hội. Trước đây, các tổ chức này đã đe dọa tấn công quốc hội. Tuy nhiên, các cuộc thương thuyết do phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Tripoli làm trung gian đã ngăn chặn một vụ tấn công hồi tháng 2 năm nay.
Cho đến giờ, chính phủ Libya chưa thể xây dựng được một lực lượng an ninh đúng nghĩa và vẫn dựa vào các tổ chức nổi dậy trong việc duy trì an ninh. Nhiều người dân Libya ngày càng thất vọng trước tình hình an ninh xuống cấp kể từ sau cuộc cách mạng 2011.
Ngược lại, bạo động và rối ren tăng lên khi vũ khí lọt vào tay nhiều tổ chức nổi dậy khác nhau về quan điểm. Tình hình càng thêm phức tạp khi nhiều tay súng từng nổi dậy chống lại chế độ Gaddafi không chịu giải giáp, trong khi hàng ngàn người Libya tự trang bị vũ khí.
Bình luận (0)