Ông Abdel Elah Al Khatib, đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), hôm 22-3 cho biết lực lượng nổi dậy ở Libya yêu cầu lực lượng của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi chấm dứt bao vây một số thị trấn và nhanh chóng thực thi lệnh ngưng bắn. Yêu cầu trên được đưa ra trong cuộc gặp đầu tiên giữa ông Khatib và các thủ lĩnh quân nổi dậy để lắng nghe quan điểm của họ. Trước khi gặp quân nổi dậy, ông Khatib và một nhóm quan chức LHQ đã hội đàm với các quan chức Chính phủ Libya ở thủ đô Tripoli về việc thực thi lệnh ngưng bắn.
Một cơ sở hải quân Libya ở Tripoli bị hư hại sau các cuộc không kích của liên quân hôm 22-3 (ảnh lớn) và nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi xuất hiện trên truyền hình hôm 22-3 (ảnh nhỏ). Ảnh: AP
Tripoli tiếp tục bị không kích
Trong lúc này, theo hãng tin AP, các tiếng súng phòng không và tiếng nổ lớn được nghe thấy ở thủ đô Tripoli đêm 22-3 (giờ địa phương) khi lực lượng liên quân tiến hành các cuộc không kích mới nhằm vào những mục tiêu quân sự của Chính phủ Libya. Một trong những mục tiêu của các cuộc không kích là một cảng quân sự ở Tripoli, phá hủy nhiều thiết bị và các xe tải chở thiết bị phóng rốc két. Đại tá Abdel-Baset Ali, một quan chức tại cảng này, cho biết các cuộc không kích đã gây ra thiệt hại hàng triệu USD nhưng không có thương vong nào. Đến rạng sáng 23-3, người ta nghe thấy 2 tiếng nổ lớn ở thủ đô Tripoli.
Bất chấp nỗ lực của liên quân trong việc ngăn lực lượng ông Gaddafi trấn áp quân nổi dậy, tình hình đã xấu đi đáng kể tại Misrata, thành phố lớn duy nhất rơi vào tay quân nổi dậy ở miền Tây. Cư dân ở thành phố này cho hãng tin AP biết các xe tăng và tay súng bắn tỉa của ông Gaddafi “khủng bố” dân thường tại đó. Theo Đô đốc Hải quân Mỹ Samuel J. Locklear, thông tin tình báo xác nhận lực lượng của ông Gaddafi tấn công dân thường ở Misrata. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, các máy bay chiến đấu của phương Tây đã làm tắt tiếng pháo binh và xe tăng của ông Muammar Gaddafi đang vây hãm thành phố Misrata hôm 23-3.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho đài ABC News biết chính phủ đã nhận được thông tin chưa được kiểm chứng rằng một trong những người con trai của ông Gaddafi có thể đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của liên quân. Bà Clinton cho biết “chưa có đủ bằng chứng” để xác nhận thông tin này nhưng nói thêm rằng những cuộc không kích này không phải do lực lượng Mỹ gây ra.
Anh lo ngại chiến tranh kéo dài
Tại Anh, Ngoại trưởng William Hague hôm 22-3 thừa nhận ông chưa thể đưa ra thời gian biểu cụ thể cho việc khi nào Anh chấm dứt tham chiến ở Libya. Ông nói với báo Daily Mail (Anh): “Vẫn còn quá sớm để phỏng đoán về vấn đề này. Nó tùy thuộc vào những gì diễn ra (ở Libya). Tôi nghĩ chúng ta không thể đưa ra thời gian biểu hoặc thời hạn chót cho sứ mệnh ở Libya”. Một số quan chức khác của Anh thậm chí còn bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến ở Libya có thể kéo dài đến 30 năm.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne trấn an người dân rằng chi phí của cuộc chiến sẽ không vượt tầm kiểm soát, “chỉ tốn khoảng vài chục triệu chứ không phải hàng trăm triệu bảng” của nước này. Người ta ước tính rằng các cuộc không kích của lực lượng liên quân trong mấy ngày qua đã tốn hàng trăm triệu USD.
Tàu chiến của NATO bắt đầu tuần tra ngoài khơi bờ biển Libya từ ngày 23-3 để thực thi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết các lực lượng của tổ chức này sẽ giám sát, cập nhật tình hình và nếu cần thiết sẽ chặn giữ các tàu biển bị tình nghi vận chuyển trái phép vũ khí và lính đánh thuê đến Libya.
Hà Lan cam kết cung cấp 6 máy bay tiêm kích F-16, khoảng 200 binh sĩ, một tàu rà phá mìn dưới biển và một máy bay tiếp nhiên liệu. Romania sẽ điều một tàu chiến với thủy thủ đoàn gồm hơn 200 người đến Địa Trung Hải tham gia kế hoạch này. Tuy nhiên, Đức tuyên bố các tàu chiến của nước này đang đóng ở Địa Trung Hải sẽ không tham gia thực thi lệnh cấm vận vũ khí của NATO.
Libya trả tự do cho 3 phóng viên
Hãng tin AFP cho biết Chính phủ Libya hôm 23-3 đã phóng thích 3 phóng viên bị bắt giữ vào tuần rồi nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Ba phóng viên này gồm 2 người làm việc cho AFP và một người làm việc cho hãng ảnh Getty Images. Trước đó, AFP dẫn lời người lái xe chở 3 phóng viên này cho biết họ bị bắt giữ sau khi gặp phải một đoàn xe quân sự ở bên ngoài thành phố Ajdabiya hôm 19-3. |
Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải
Duma Quốc gia Nga ra tuyên bố về tình hình Libya. Việt Nam kêu gọi ngừng bắn
Tổng thống (TT) Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Nga sẵn sàng đảm đương sứ mệnh trung gian hòa giải để giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Libya.
TT Medvedev đã đưa ra tuyên bố trên tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tối 22-3. Sau khi đánh giá về diễn biến tình hình Libya hiện nay, TT Medvedev đã bày tỏ lo ngại về tình trạng liên quân sử dụng vũ lực bừa bãi, có thể làm dân thường Libya thiệt mạng và bị thương.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 23-3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã bỏ phiếu thông qua tuyên bố về tình hình Libya. Tuyên bố được thông qua với đa số phiếu áp đảo (341 phiếu thuận và 1 phiếu trắng), kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ làm tất cả để buộc các bên liên quan ngừng ngay lập tức chiến sự tại Libya, đồng thời kêu gọi ban lãnh đạo Nga thực hiện sứ mệnh trung gian hòa giải cho cuộc xung đột tại Libya.
Tuyên bố của Duma Quốc gia Nga nhấn mạnh một loạt nước tham gia liên quân đã lợi dụng Nghị quyết 1973 của LHQ làm cái cớ để đạt những mục tiêu khác với mục tiêu bảo vệ người dân. Cuộc không kích của liên quân đã vượt quá giới hạn của nghị quyết, gây ra mối lo chính đáng về quy mô và hình thức sử dụng vũ lực phá hủy các công trình dân sinh và quan trọng hơn, đang dẫn tới những thiệt hại sinh mạng đối với dân thường. Duma kêu gọi quốc hội các nước có quân đội tham gia chiến dịch thúc đẩy việc ngừng ngay lập tức các hành động quân sự.
- Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước diễn biến tình hình hiện nay ở Libya, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn, chấm dứt ngay các hành động quân sự và sớm tiến hành đối thoại tìm giải pháp hòa bình trên cơ sở triệt để tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc; luật pháp quốc tế; độc lập, chủ quyền của các quốc gia...”.
T. Minh - B.Diệp |
Bình luận (0)