Cụ thể, các ngân hàng trên đã xử lý các giao dịch có tổng giá trị hơn 2.000 tỉ USD trong giai đoạn 1999-2017 bất chấp nghi ngờ về nguồn gốc số tiền này. BuzzFeed đã chia sẻ hơn 2.100 SAR có được với Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và các cơ quan truyền thông khác. Theo ICIJ, 5 ngân hàng lớn xuất hiện nhiều nhất trong các tài liệu nói trên là HSBC, Standard Chartered (đều của Anh), JP Morgan Chase, New York Mellon (đều của Mỹ) và Deutsche Bank (Đức).
SAR không nhất thiết là bằng chứng về hành vi sai phạm. Một ngân hàng có tối đa 60 ngày để gửi SAR sau ngày phát hiện giao dịch đáng ngờ từ khách hàng - theo Văn phòng Kiểm soát tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ. ICIJ cho biết trong một số trường hợp, các ngân hàng không báo cáo về các giao dịch đáng ngờ trong nhiều năm sau khi xử lý chúng.
JP Morgan Chase là một trong những ngân hàng lớn bị tố từng cho phép giao dịch tiền bẩn Ảnh: REUTERS
Một số loại giao dịch đã được nêu bật, như Deutsche Bank đã chuyển những khoản tiền bẩn của các đối tượng chuyên rửa tiền cho tội phạm có tổ chức, khủng bố và buôn lậu ma túy.
Trong khi đó, JP Morgan Chase thực hiện giao dịch các khoản tiền cho các cá nhân và công ty bị cáo buộc tham nhũng ở Venezuela, Ukraine và Malaysia. Ngoài ra, nội dung nhiều SAR cho thấy các ngân hàng thường chuyển tiền cho các công ty đăng ký ở những "thiên đường thuế" và không rõ chủ sở hữu cuối cùng của tài khoản.
Phản ứng trước thông tin trên, HSBC cho rằng tất cả thông tin do ICIJ cung cấp đều là quá khứ và họ đã bắt đầu cải thiện khả năng chống tội phạm tài chính trên hơn 60 khu vực pháp lý kể từ năm 2012.
Trong khi đó, Standard Chartered và New York Mellon khẳng định họ coi trọng trách nhiệm chống tội phạm tài chính. Theo Reuters, FinCEN hôm 1-9 cho biết họ nắm thông tin một số phương tiện truyền thông chuẩn bị đăng tải nội dung dựa trên những SAR bị rò rỉ trái phép, đồng thời cảnh báo hành động tiết lộ SAR khi chưa được phép là phạm pháp, đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ.
Bình luận (0)