Theo 5 tổ chức trên, bao gồm Chương trình lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), viện trợ nước ngoài dành cho Triều Tiên đã giảm mạnh trong vòng 1 năm qua do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.
“Năm 2013 cần đến tổng cộng 147 triệu USD để đáp ứng các nhu cầu viện trợ nhân đạo thiết yếu ở Triều Tiên, nhưng đến nay mới chỉ nhận được khoảng 26,8% số này” - thông cáo cho biết.
Khu công nghiệp chung Kaesong nhìn từ làng Panmunjom (Bàn Môn Điếm) ở Paju, Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS
Tình trạng thiếu tiền khủng khiếp khiến các cơ quan Liên Hiệp Quốc “khó lòng duy trì các chương trình của họ tại Triều Tiên”. Đơn cử, UNICEF cho hay đã hết tiền mặt để mua các loại vắc xin cơ bản và thuốc thang cho trẻ em chống chọi với các căn bệnh viêm phổi và tiêu chảy.
Với dân số khoảng 24 triệu người, Triều Tiên thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng kể từ thập niên 1990. Theo các tổ chức cứu trợ, đã có hàng trăm ngàn người Triều Tiên chết đói.
Cùng ngày 29-4, Mỹ hối thúc Triều Tiên trả tự do cho công dân Mỹ Pae Jun-ho (Kenneth Bae) vì “các lý do nhân đạo”. Trước đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 26-4 đưa tin Pae Jun-ho đã nhận tội âm mưu lật đổ chế độ ở Triều Tiên và sẽ sớm đối diện với phán quyết của tòa án.
Ông này bị bắt hồi tháng 11-2012 khi đi vào thành phố cảng Rason của Triều Tiên. Ông được cho là một người tổ chức du lịch.
Lính thủy đánh bộ Mỹ tập trận đổ bộ tại Pohang, Hàn Quốc ngày 26-4. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, cuộc tập trận trên bộ, trên không và trên biển kéo dài 2 tháng mang tên “Đại bàng non” có sự tham gia của hơn 10.000 binh sĩ Mỹ - Hàn kết thúc ngày 30-4.
Cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee Jae-jong bình luận: “Cuộc tập trận năm nay rầm rộ hơn nhiều so với các cuộc tập trận trước đó nên Triều Tiên phản ứng mạnh mẽ hơn, dẫn đến căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, tôi không nhận thấy bất kỳ khủng hoảng lớn nào sau đó”.
Ông Paik Hak-soon, chuyên gia tại Viện Sejong chuyên nghiên cứu chính sách ở Seoul, nhận định: “Các cuộc tập trận kết thúc thì ít nhất chúng ta không phải lo lắng nhiều về việc cuộc xung đột bất ngờ có thể biến thành cuộc chiến tổng lực”.
Theo ông Paik, thái độ sắp tới của Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 7-5. “Nếu Triều Tiên không vừa ý với kết quả cuộc gặp thì chúng ta sẽ phải tiếp tục lo ngại về một hành động khiêu khích quân sự gần biên giới” - ông Paik nói.
Bình luận (0)