Nhiều người trên thế giới vẫn tò mò về cuộc sống thực của người dân Triều Tiên. Năm 2011, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước tính khoảng 1/4 dân số Triều Tiên - 6 triệu người - thiếu ăn. Trong số đó, gần 1 triệu người là trẻ em dưới 5 tuổi. UNICEF cũng cho biết ở Triều Tiên, thực phẩm được chia theo khẩu phần, đồng thời nước này dễ rơi vào khủng hoảng lương thực do bị cô lập về chính trị và kinh tế cũng như bị tác động sâu sắc bởi tình trạng biến đổi khí hậu.
Thiếu hụt
Tháng 3-2012, Bình Nhưỡng đã đồng ý cho ngừng một phần chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời chấp nhận cho các thanh sát viên hạt nhân trở lại nước này để đổi lấy 240.000 tấn hàng viện trợ của Mỹ. Tuy nhiên, cũng trong tháng đó, Triều Tiên đã thông báo về một cuộc thử tên lửa khác và chấm dứt thỏa thuận trên.
Mức sống ở Bình Nhưỡng khác xa các khu vực khác trên đất nước này. Giáo sư Jim Hoare, Khoa Đông phương học và Phi châu học - Trường Đại học London (Anh), xác nhận: “Ở Bình Nhưỡng, nhiều người có tiền thường đến nhà hàng. Trong khi đó, hầu hết thường dân ở nước này sống trong cảnh giật gấu vá vai”.
Thực đơn hằng ngày của hầu hết người dân Triều Tiên đều chủ yếu là ngũ cốc và rau, rất hiếm khi có thịt và cá.
Ông John Everard, cựu đại sứ Anh ở Triều Tiên giai đoạn 2006-2008, cũng thừa nhận: “Chế độ ăn uống của họ thật đơn điệu. Nhiều bữa ăn chỉ có cơm, rau luộc và 1 tô kim chi… Mặc dù mọi người đều sử dụng vòi tắm gương sen nhưng chẳng ai có thể nhớ lần gần nhất họ tắm nước nóng là khi nào. Tắm nước lạnh vào mùa đông ở Bình Nhưỡng khi nhiệt độ có thể xuống đến -20 độ C không phải là chuyện hiếm”.
Bà Hyeonseo Lee, nhà hoạt động xã hội ở Hàn Quốc, người sinh ra và lớn lên ở Triều Tiên, kể: “Một hôm, mẹ tôi đọc cho tôi nghe lá thư của người chị đồng nghiệp, trong đó bà than phiền rằng gia đình bà đang thiếu đói. Một trận đói khốc liệt đã hoành hành ở Triều Tiên vào nửa sau những năm 1990 và tôi đã bắt đầu chứng kiến cảnh tượng khổ sở, đói kém và chết chóc xung quanh mình”.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của Triều Tiên là 1.800 USD, tăng trưởng kinh tế 0,8%. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc ước tính thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên năm 2011 chỉ là 506 USD và tăng trưởng là -0,1%. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 2011 là 31.300 USD và tăng trưởng 3,6%.
Do lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, những người làm công ăn lương ở Bình Nhưỡng gặp phải nhiều khó khăn. Lương tháng trung bình của họ vào khoảng 33 USD theo tỉ giá hối đoái chính thức nhưng trên chợ đen thì chỉ có giá trị 5 USD. Nhu cầu về cơ sở hạ tầng của Triều Tiên cũng rất lớn, khiến việc duy trì tăng trưởng kinh tế rất khó khăn và chỉ 20%-25% hộ gia đình ở đây được tiếp cận với nước máy sạch. Hệ thống vệ sinh công cộng ngày càng xuống cấp, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người dân.
Đô la hóa
Triều Tiên vẫn tự xếp mình đứng thứ 2 (98 điểm) trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc (100 điểm). Tiếp sau đó là Cuba, Iran và Venezuela. Theo bảng thống kê của Triều Tiên, Hàn Quốc đứng thứ 152 với 18 điểm, còn Mỹ đứng cuối bảng chỉ với 3 điểm.
Đặc biệt, chợ đen - được gọi là jangmadang - là nguồn kiếm sống chính đối với hầu hết người Triều Tiên. Chợ đen ở Triều Tiên còn được quen gọi là “chợ cóc”, bởi những người buôn bán thoắt ẩn thoắt hiện...
Riêng tầng lớp thượng lưu ở Bình Nhưỡng vẫn hưởng thụ cuộc sống xa hoa. Họ vẫn đi xe Lexus, uống rượu đắt tiền và xem TV màn hình phẳng. Ô tô có mặt ngày càng nhiều trên đường phố thủ đô. Số lượng xe mới mang các nhãn hiệu Mercedes, BMW, Lexus, Toyota và Land Rover tăng lên nhanh chóng. |
Bình luận (0)