Bộ phim nhan đề Zero Dark Thirty có nội dung xoay quanh nữ điệp viên Maya của CIA, người theo dấu tên trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden tới tận hang ổ. Gần đây, sau khi bản báo cáo tra tấn tù nhân al-Qaeda được tiết lộ, người ta mới sửng sốt nhận ra rằng nhân vật Maya trong bộ phim hoàn toàn có thật và được truyền thông đặt cho biệt danh “Nữ hoàng tra tấn”.
Trên thực tế, danh tính và chỗ ở hiện tại của “Maya” được CIA giữ kín. Nếu như trong bộ phim, “Maya” là “người hùng” thì bên ngoài đời thực, người phụ nữ bí ẩn - được cho là 49 tuổi - mắc hàng loạt sai phạm về các hành vi tra tấn tù nhân cũng như trình báo cáo “ma” lên Quốc hội Mỹ suốt một thời gian dài.
Theo phóng sự điều tra của nhà báo Jane Mayer đăng trên tờ New Yorker, nữ điệp viên CIA đã bỏ qua những thông tin hữu ích trước vụ tấn công đẫm máu ngày 11-9-2001, trong khi nếu để tâm, vụ khủng bố có lẽ không gây ra hậu quả nặng nề đến vậy.
Ngoài ra, “Maya” còn trực tiếp tham gia tra tấn tù nhân, hiểu sai thông tin tình báo dẫn đến cuộc săn lùng tổ chức al-Qaeda ở Montana của lực lượng Mỹ trở nên xôi hỏng bỏng không.
Đài NBC cho biết nữ điệp viên 49 tuổi bị chỉ trích nặng nề sau vụ tấn công ngày 11-9, khi có thông tin tiết lộ 2 thuộc cấp của “Maya” trước đó đã phát hiện ra 2 nghi can al-Qaeda, những kẻ sau đó cướp máy bay tấn công khủng bố, nhưng lại không báo cho Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để ngăn chặn thảm kịch.
Bên cạnh đó, “Maya” còn là tác giả của nhiều “phương pháp thẩm vấn tăng cường” để moi thông tin từ tù nhân và đích thân tham gia vụ trấn nước nghi phạm 11-9 Khaled Sheikh Mohammed ở một nhà tù bí mật tại Ba Lan.
Nữ điệp viên CIA cũng được cho là yêu cầu bắt giam trái phép công dân Đức Khalid al-Masri, người bị đưa tới giam ở Afghanistan để “thẩm vấn”. Đáng nói là nghi phạm cùng tên với al-Masri đang bị CIA truy nã không phải là người Đức. 5 tháng sau, al-Masri “giả” mới được trả tự do và bồi thường thiệt hại.
Tuy mắc phải những sai sót nghiêm trọng, “Maya” vẫn được thăng chức và trong năm 2007, nữ điệp viên cung cấp bằng chứng cho Quốc hội về “các phương pháp thẩm vấn tăng cường”. “Maya” khẳng định: “Không có nghi ngờ gì về việc những thông tin thu được từ tù nhân đã cứu sống hàng trăm người dân Mỹ”.
Về phần mình, CIA tuyên bố không thể tiết lộ danh tính của “Maya” vì bà có thể gặp nguy hiểm. Nhưng nhà báo Mayer cho biết mục đích thực sự là để bảo vệ danh tiếng của CIA.
Bình luận (0)