Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 1-3 cáo buộc Iran tấn công tàu MV Helios Ray thuộc sở hữu của Israel ở vịnh Oman hôm 26-2 nhưng không cung cấp bằng chứng chi tiết. Thủ tướng Netanyahu cho rằng Iran là kẻ thù lớn nhất của Israel và chính quyền của ông quyết tâm ngăn chặn những hành động tương tự, đồng thời đánh bại Iran trên khắp khu vực.
Vụ nổ xảy ra khi tàu hàng MV Helios Ray đang trên đường từ Trung Đông đến Singapore. Thủy thủ đoàn không bị thương nhưng tàu treo cờ Bahamas thuộc sở hữu của Israel này bị thủng vài chỗ trên thân tàu và phải neo đậu ở Dubai hôm 28-2 để sửa chữa.
Nguyên nhân vụ nổ vẫn chưa được công bố chính thức. Iran lập tức phủ nhận cáo buộc của ông Netanyahu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh hôm 1-3 cho rằng Thủ tướng Israel bị ám ảnh bởi Iran và cáo buộc trên là nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi.
Người phát ngôn Khatibzadeh cũng cáo buộc Israel thực hiện "những hành động đáng ngờ trong khu vực" chống lại Iran trong những tháng gần đây nhằm phá hoại Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhưng không đưa ra chi tiết, song song đó tuyên bố rằng "Iran sẽ đáp trả".
Trong diễn biến liên quan, theo hãng tin AP, truyền thông nhà nước Syria đưa tin về một loạt vụ không kích do Israel gây ra gần thủ đô Damascus và các hệ thống phòng không đã đánh chặn hầu hết các tên lửa này.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết cuộc không kích nhắm vào khu vực phía Nam Damascus, nơi lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và phong trào Hezbollah của Lebanon hiện diện. Phản ứng sau đó, truyền thông Israel cho biết các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của Iran để đáp trả vụ tấn công con tàu thuộc sở hữu của Israel hôm 26-2. Tuy nhiên, người phát ngôn quân đội Israel từ chối bình luận thông tin này.
Tàu MV Helios Ray thuộc sở hữu của Israel neo tại cảng Dubai hôm 28-2. Ảnh: AP
Trong những năm gần đây, Israel đã tấn công hàng trăm mục tiêu của Iran ở nước láng giềng Syria và ông Netanyahu đã nhiều lần khẳng định Israel không chấp nhận sự hiện diện quân sự thường xuyên của Iran trong khu vực. Iran và phong trào Hezbollah đã hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến tại Syria kéo dài hơn một thập kỷ qua. Israel xem sự hiện diện của Iran tại Syria là lằn ranh đỏ và tuyên bố sẽ ngăn chặn lực lượng Iran chiếm vị thế ở nước này.
Cuộc tấn công tên lửa hôm 28-2 diễn ra vài ngày sau khi Mỹ tiến hành các cuộc không kích ở Syria hôm 25-2, nhằm vào một nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn gần biên giới Iraq.
Quan hệ Mỹ - Iran đến nay vẫn chưa có dấu hiệu xuống thang căng thẳng. Mỹ hôm 28-2 tỏ ra thất vọng về việc Iran từ chối lời mời tham dự các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, Washington khẳng định sẵn sàng tái hợp tác về mặt ngoại giao để đạt được mục tiêu hai nước cùng tuân thủ trở lại các cam kết Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), còn được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.
Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ tham vấn với các đối tác còn lại trong nhóm P5+1 (gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Đức và Mỹ) về con đường tốt nhất trong tương lai. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố đây chưa phải thời điểm thích hợp cho một cuộc họp không chính thức về thỏa thuận hạt nhân. Người phát ngôn này cho rằng Iran nhận thấy chưa có sự thay đổi về lập trường và hành vi của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tiếp tục duy trì chính sách gây áp lực tối đa vốn không hiệu quả từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Ông Joe Biden cũng đã gửi đi thông điệp Mỹ sẵn sàng khôi phục thỏa thuận hạt nhân miễn là Tehran tuân thủ trở lại các cam kết theo thỏa thuận năm 2015. Đáp lại, Tehran cho rằng Washington phải thực hiện bước đầu tiên bằng cách loại bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Bình luận (0)