"Nhằm công nhận sự kết nối ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, chúng tôi đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương" – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố.
Giới chức Mỹ cho biết việc đổi tên nhằm phản ảnh chính xác hơn phạm vi trách nhiệm của bộ này, bao gồm 36 quốc gia lẫn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hợp tác quốc phòng, và đều bày tỏ quan ngại trước điều mà họ gọi là sự gia tăng khiêu khích của quân đội Trung Quốc tại các vùng biển.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis bắt tay Đô đốc Harry Harris ngày 30-5. Ảnh: STARS AND STRIPES
Việc đổi tên nói trên diễn ra giữa lúc Trung Quốc tiếp tục có các hành vi làm leo thang căng thẳng và gây bất ổn biển Đông. Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền 80% lãnh hải biển Đông thông qua cái mà họ gọi là đường 9 đoạn (còn được gọi là đường lưỡi bò) bất chấp bị cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối.
Trước đó, Mỹ cũng đã rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận hàng hải đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vì hành vi quân sự hóa biển Đông sai trái của nước này.
Ngoài việc thay tên, Bộ Tư lệnh Thái Bình dương cũng đổi chỉ huy. Kể từ ngày 30-5, Đô đốc Phillip Davidson sẽ thay thế Đô đốc Harry Harris làm người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, giám sát khoảng 375.000 binh sĩ và nhân viên dân sự.
Ông Harris đã được Tổng thống Donald Trump đề cử chức Đại sứ Hàn Quốc.
Đô đốc Phillip Davidson. Ảnh: STARS AND STRIPES
Trong một tuyên bố ngày 30-5, Đô đốc Harris cũng kêu gọi Mỹ và đồng minh cẩn thận với điều mà ông gọi là "mộng bá chủ của Trung Quốc ở châu Á".
"Chúng ta cần hợp tác với Bắc Kinh trong những lĩnh vực có thể nhưng vẫn phải sẵn sàng đối đầu với họ khi buộc phải làm thế" – ông Harris khẳng định.
Ngoài ra, ông khẳng định Triều Tiên vẫn là một mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ trước mắt, đồng thời nói rằng rằng việc Bình Nhưỡng sở hữu tên lửa có khả năng tấn công Mỹ là "không thể chấp nhận được".
Bình luận (0)