Theo báo The Times, ông Johnson muốn thúc đẩy dự luật yêu cầu các công ty nội địa phải báo cáo những trường hợp nước ngoài tìm cách nắm quyền kiểm soát họ, làm gia tăng rủi ro đối với an ninh quốc gia. Cụ thể, doanh nghiệp trong nước phải báo cáo với giới chức khi một công ty nước ngoài tìm cách mua hơn 25% cổ phần, tài sản hoặc tài sản trí tuệ. Lãnh đạo những công ty không báo cáo hoặc phớt lờ nghĩa vụ này đối mặt nguy cơ ngồi tù, cách chức hoặc bị phạt.
Thủ tướng Johnson cũng muốn đưa các quan hệ đối tác học thuật và dự án nghiên cứu vào khuôn khổ của dự luật này, nhiều khả năng được đệ trình trong vài tuần tới. Giữa lúc nỗi lo gia tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc, bước đi mới nói trên được cho là đã nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak.
Có cùng nỗi lo như Anh, Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg hôm 5-6 thông báo nước này sẽ tăng cường kiểm tra các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua các tài sản nhạy cảm của nước này trong nỗ lực tăng cường an ninh quốc gia. Trước đó, vào tháng 4, trong nỗ lực bảo vệ doanh nghiệp trong nước, chính phủ Ấn Độ cũng đã điều chỉnh nhiều quy định để siết chặt kiểm soát đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Các kỹ sư của Công ty Siasun (Trung Quốc) làm việc tại một nhà máy của Công ty Jaguar Land Rover ở Anh Ảnh: CHINA DAILY
Trong khi đó, các cuộc đàm phán về Hiệp ước Đầu tư Toàn diện (CAI) giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang bước vào giai đoạn cuối. Tuy nhiên, 2 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về nhiều vấn đề, như vai trò của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và các khoản trợ cấp hậu hĩnh dành cho họ.
Giới chức EU đã kêu gọi Bắc Kinh hành động mạnh mẽ hơn nữa để 2 phía có thể chốt CAI trước hạn chót cuối năm nay. Không dừng lại ở đó, chính trị gia người Đức Manfred Weber gần đây kêu gọi EU nên tạm thời cấm các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại những công ty châu Âu gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Theo báo South China Morning Post, Bắc Kinh sẽ sớm công bố kế hoạch 3 năm cải cách doanh nghiệp nhà nước. Từ lâu, quá trình cải cách này đã bị chỉ trích là chậm chạp và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước đã gia tăng trong những năm gần đây. Ông Cui Hongjian, từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS), nhận định vấn đề không chỉ đơn thuần là một quyết định kinh tế đơn giản, mà còn liên quan đến những cân nhắc chính trị.
Bình luận (0)