Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 25-8 đã ra lệnh thắt chặt kiểm soát biên giới giữa lúc các nguồn tin trong Đảng Puea Thai cho biết bà Yingluck Shinawatra đã rời khỏi Thái Lan.
Đã rời Thái Lan?
Trước đó cùng ngày, Tòa án Tối cao nước này đã phát lệnh bắt và tịch thu khoản tiền bảo lãnh tại ngoại 30 triệu baht (khoảng 900.000 USD) đối với nữ cựu thủ tướng sau khi bà không xuất hiện tại phiên tòa để nghe tuyên án.
Các luật sư của bà Yingluck viện lý do bệnh tật cho việc bà không thể có mặt để nghe phán quyết về việc cựu lãnh đạo này có phạm tội lơ là nhiệm vụ trong chương trình trợ giá lúa gạo do chính phủ của bà chủ trương hay không. Tuy nhiên, lý do này đã bị tòa tối cao bác bỏ sau khi các luật sư không trình được giấy chứng nhận của bác sĩ. Thời điểm đưa ra phán quyết cũng được hoãn tới ngày 27-9.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra chào đón người ủng hộ tại Tòa án Tối cao ở Bangkok hôm 1-8 Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, các nguồn tin thân cận với Đảng Puea Thai của bà Yingluck cho biết bà đã quyết định rời khỏi Thái Lan một cách đột ngột, ngay trước phiên tòa được huy động hơn 4.000 cảnh sát để kiểm soát. Đài CNN cũng dẫn nguồn tin gần gũi với gia đình Shinawatra cho biết thông tin tương tự. Các nguồn tin này không cho biết nữ cựu thủ tướng đang ở đâu trong khi báo chí Thái Lan đưa tin bà Yingluck rời nhà đêm 23-8 trên xe của một quan chức chính phủ cấp cao. Bà đi đến Koh Chang và từ đây vượt biên giới sang Campuchia rồi lên một chiếc máy bay tư nhân tới Singapore. Sau đó, bà bay tới Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất để hội ngộ cùng anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho rằng có khả năng bà Yingluck đã bỏ trốn. Ông từ chối bình luận thông tin một quan chức chính phủ cấp cao giúp cựu thủ tướng bỏ trốn song bác tin quân đội giúp hay cho phép bà Yingluck bỏ trốn.
Giới chức cấp cao cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan cho biết không có bằng chứng cho thấy bà Yingluck đã xuất cảnh. Tuy nhiên, Trung tướng cảnh sát Natthathorn Prohsoonthorn nhấn mạnh ông không thể xác nhận bà Yingluck có còn ở Thái Lan hay không. Luật sư của bà Yingluck, ông Norrawit Larlaeng, cũng không có câu trả lời khi được đài BBC chất vấn.
Tiến thoái lưỡng nan
Theo nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak tại Trường ĐH Chulalongkorn, việc bà Yingluck không xuất hiện tại tòa là bất ngờ lớn đối với phần lớn người dân Thái Lan. "Từ cái cách mà bà Yingluck chiến đấu, tưởng như bà đã sẵn sàng vượt qua (phiên tòa). Nay bà ấy lại nghĩ tới chuyện bỏ trốn. Nếu bà ấy thực sự chưa ra đi, việc hoãn phán quyết có thể mở ra một cánh cửa cho một cuộc đấu tranh tiềm năng" - vị chuyên gia phân tích.
Dù không khỏi sốc nhưng trong số khoảng 1.000 người xuất hiện bên ngoài tòa án tối cao ở Bangkok để bày tỏ sự ủng hộ đối với nữ cựu thủ tướng có không ít người bày tỏ sự thông cảm. "Bà ấy đã làm hết sức, bà đã hy sinh rất nhiều. Nay mọi người phải tự đấu tranh cho chính mình" - một người ủng hộ có tên Seksan Chalitaporn, 64 tuổi, chia sẻ.
Trong suốt những phiên tòa kéo dài khoảng 2 năm qua, bà Yingluck khẳng định bản thân chỉ chịu trách nhiệm về chính sách chứ không quản lý chương trình hằng ngày. Nữ cựu lãnh đạo - vốn là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đang lưu vong ở nước ngoài sau khi bị kết tội tham nhũng - cũng phủ nhận tội lơ là trách nhiệm trong chương trình lúa gạo và cho rằng bản thân là nạn nhân của sự bức hại chính trị.
Chương trình trợ giá lúa gạo dưới thời bà Yingluck vốn được lòng nhiều nông dân khi lúa gạo của họ được thu mua và tích trữ với giá cao hơn 50% giá thị trường. Tuy vậy, chương trình về sau được đánh giá là thất bại này đã gây thiệt hại cho ngân sách tới 8 tỉ USD.
Nếu bị kết tội, nữ cựu thủ tướng bị phế truất từ năm 2015 có thể lãnh đến 10 năm tù và bị cấm vĩnh viễn khỏi chính trường Thái Lan.
Theo đài BBC, việc bà Yingluck vắng mặt tại phiên tuyên án hôm 25-8 đẩy giới chức chính quyền vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, đó là nếu họ phái cảnh sát đi bắt bà Yingluck thì có thể châm ngòi cho bất ổn. Tuy nhiên, chuyên gia Thitinan cho rằng mặt khác, diễn biến này cũng tạo lợi thế cho chính quyền quân sự. "Trong hoàn cảnh hiện tại, chính quyền không muốn đẩy bà ấy vào tù, thế nhưng sự vắng mặt tại tòa của bà Yingluck lại giúp họ ghi điểm" - ông Thitinan nhấn mạnh.
Trong khi phán quyết dành cho bà Yingluck "treo" lại thì cựu Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom đã bị tuyên án 42 năm tù giam hôm 25-8, với tội danh làm giả các hợp đồng bán gạo cấp chính phủ giữa Thái Lan và Trung Quốc.
Bình luận (0)