Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại như hồi những năm 1930. Liên minh châu Âu đe dọa trả đũa trong khi cố vấn kinh tế của ông Trump, ông Gary Cohn, đã từ chức để phản đối.
Ông Trump cho rằng chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ chiến thắng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này dường như đối mặt nhiều rủi ro hơn những gì ông tưởng. Nếu đánh thuế làm cho người tiêu dùng Mỹ phải chịu mức giá cao hơn, hậu quả là lạm phát có thể leo thang và Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh hơn.
Hơn nữa, quyết định của ông chủ Nhà Trắng đến vào thời điểm các biện pháp cắt giảm thuế liên bang được kỳ vọng đẩy mạnh nhu cầu trong nền kinh tế. Khi kim ngạch nhập khẩu gia tăng và thâm hụt thương mại mở rộng, ông Trump có thể cân nhắc thêm các biện pháp bảo hộ khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đánh thuế nhập khẩu lên sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu hôm 8-3 Ảnh: REUTERS
Trung Quốc được cho là mục tiêu thực sự của động thái trên nhưng thực tế quốc gia này không nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu thép hàng đầu sang Mỹ. Có những cách tốt hơn để đối phó tình trạng thừa thép trên toàn cầu nhưng điều này đòi hỏi sự hợp tác tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Vấn đề là ông Trump không ưa thích hành động đa phương.
Mặt khác, viễn cảnh xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện tương tự những năm 1930 đã bị thổi phồng quá mức. Thứ nhất, các sản phẩm nhôm, thép chỉ chiếm 2% kim ngạch thương mại thế giới. Ngoài ra, các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ đang tỏ ra kiềm chế, ít nhất là cho đến giờ. Cuối cùng, tình trạng hiện nay của kinh tế thế giới cũng khác những năm 1930 - với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ.
Vấn đề ở đây là thương mại toàn cầu hiện không được tự do mà chịu sự quản lý. Không phải ai cũng được hưởng lợi từ thương mại và có người được hưởng lợi nhiều hơn người khác. Do đó, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại, ông Trump không phải là người duy nhất phải chịu trách nhiệm.
Bình luận (0)