Quyết định bổ nhiệm ông John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22-3 đang gây ra không ít lo ngại về đường lối đối ngoại của Washington.
Bộ ba cứng rắn
Theo đài CNN, ông Bolton, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, sẽ trở thành một phần của bộ ba quan chức tham mưu cho ông chủ Nhà Trắng xử lý các vấn đề nóng trong chính sách đối ngoại thời gian tới, nổi bật là kế hoạch hội đàm thượng đỉnh với Triều Tiên, khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và quan hệ đang căng thẳng với Nga, Trung Quốc.
Ngoài ông Bolton, bộ ba này còn có ông Mike Pompeo, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), được đề cử làm ngoại trưởng và bà Gina Haspel được chọn làm người thay thế ông Pompeo ở CIA. Không như vị trí của ông Bolton, cả 2 đề cử còn lại cần có sự phê chuẩn của thượng viện.
Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump Ảnh: AP
Bà Haspel, người làm việc lâu năm cho CIA, vẫn còn là nhân vật bí ẩn với công chúng. Tuy nhiên, ông Pompeo được biết đến là người có lập trường cứng rắn khi còn làm nghị sĩ, thể hiện qua việc ủng hộ ném bom Iran ngay cả khi các cuộc thương thảo về thỏa thuận hạt nhân quốc tế đang diễn ra. Ông Bolton thậm chí còn bị xem là "diều hâu" hơn cả tân ngoại trưởng được đề cử khi ủng hộ can thiệp quân sự vào Triều Tiên và Iran, trong lúc phớt lờ giải pháp ngoại giao và coi thường luật pháp quốc tế.
Điển hình là khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông Mỹ vào đầu tuần này, ông Bolton cho rằng tổng thống Mỹ nên đòi hỏi rằng bất kỳ cuộc gặp nào với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phải tập trung vào cách thức loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng càng sớm càng tốt.
Nỗi lo kịch bản Iraq tái diễn
Không có gì lạ khi xuất hiện nhiều cảnh báo rằng vây quanh ông Trump đang là đội ngũ cứng rắn nhất về chính sách đối ngoại trong nhiều năm trở lại đây. Những nhân vật này sẽ phải đối mặt 2 cuộc khủng hoảng hạt nhân hàng đầu kể từ sau chiến tranh lạnh và hiện chưa rõ họ sẽ dùng ngoại giao hay tối hậu thư khi xử lý quan hệ với cả đồng minh lẫn kẻ thù.
Chuyên gia quan hệ quốc tế David Rothkopf nói với tờ The New York Times rằng ông Trump đã chọn một đội ngũ cố vấn có thể biến 2 cuộc khủng hoảng trên thành xung đột. Theo ông, nước Mỹ có thể gặp rắc rối khi bộ máy an ninh quốc gia có cùng quan điểm thay vì có nhiều lập trường khác nhau.
Lần gần đây nhất, Mỹ chứng kiến một đội ngũ bảo thủ "diều hâu" bên cạnh tổng thống là 15 năm trước. Khi đó, Phó Tổng thống Dick Cheney và Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld gây sức ép để Tổng thống George W. Bush đưa quân vào Iraq.
Thượng nghị sĩ Mỹ Ed Markey, một người Đảng Dân chủ, lo ngại kịch bản trên có thể tồi tệ khi viết trên trang Twitter rằng ông Trump đang tập hợp "một nội các chiến tranh". Ông Markey còn chỉ trích ông Bolton đóng vai trò quan trọng trong việc chính trị hóa thông tin tình báo sai lầm, khiến Mỹ phát động chiến tranh Iraq.
Nỗi lo về vai trò mới của ông Bolton cũng xuất hiện trong nội bộ những đồng minh châu Á đang đối mặt sự trỗi dậy của Trung Quốc, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại Washington - Bắc Kinh và một Triều Tiên khó đoán. "Đó là thông tin đáng lo" - ông Kim Hack-yong, một nghị sĩ bảo thủ Hàn Quốc, nói với hãng tin Reuters về kịch bản các cuộc hội đàm với Triều Tiên không diễn ra tốt đẹp như kỳ vọng sau khi ông Bolton lên thay Tướng H. R. McMaster.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cũng nói ông "hơi ngạc nhiên" khi thấy ông McMaster bị thay thế nhưng bày tỏ hy vọng sẽ không có thay đổi lớn nào trong quan hệ hai nước. Còn tại Trung Đông, các nước đang chờ xem liệu ông Trump có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào ngày 12-5 tới hay không.
Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng không dễ để ông Bolton, cố vấn an ninh quốc gia thứ 3 trong 14 tháng qua, thể hiện rõ lập trường tại một Nhà Trắng đang hỗn loạn. Đã có quá nhiều quan chức cấp cao ra đi trong lúc ông chủ Nhà Trắng thường có những phát biểu trái ngược nhau và đưa ra những quyết định nhanh chóng.
Bình luận (0)