Cuộc đối đầu trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, dường như ngày càng tồi tệ hơn. GS Graham Allison, nghiên cứu khoa học chính trị thuộc Trường ĐH Harvard (Mỹ), nhận định kết quả của cuộc đối đầu này là hai bên đều thua. Chuyên gia này nói với đài CNBC (Mỹ) là lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường kiểm soát nội địa trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây tổn hại đối với cả hai nền kinh tế.
Ông Allison, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, cho rằng: "Kết quả cuối cùng sẽ là thất bại cho cả hai bên. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ngày càng tồi tệ hơn và tôi hy vọng rằng tác động sẽ không kéo dài".
GS Allison lý giải cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn có thể dẫn đến sự sụp đổ của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và hai bên liên tục đổ lỗi nhau về nguồn gốc của dịch Covid-19. Từ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các chuyên gia khác cũng cảnh báo chính quyền Bắc Kinh sẽ đương đầu với rất nhiều thách thức trong việc thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Theo đó, thỏa thuận yêu cầu Trung Quốc mua bổ sung 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đến năm 2021. Đại dịch Covid-19 đã khiến cho mục tiêu này trở nên khó khăn hơn.
Người dân Hồng Kông đứng gần bảng điện tử thông báo chỉ số Hang Seng Index (HSI) của Hồng Kông hôm 26-5 Ảnh: AP
Một số chuyên gia cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang cũng có thể dẫn đến Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, ông Cheng Li, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings (Mỹ), khẳng định rằng không có nước nào sẵn sàng cho điều này dù quan hệ hai bên đã xấu đi khá nhiều. Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng về dự luật an ninh tại Hồng Kông đã đẩy Mỹ - Trung đến bờ vực một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Trung Quốc hôm 25-5 dọa sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa nếu bị Mỹ trừng phạt vì kế hoạch áp đặt dự luật an ninh mới lên đặc khu Hồng Kông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cảnh báo nếu Mỹ khăng khăng gây tổn hại cho các lợi ích của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phải đưa ra những biện pháp đáp trả cần thiết.
Trung Quốc phản ứng gay gắt sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho rằng dự luật an ninh mới áp đặt lên Hồng Kông có thể khiến Mỹ triển khai các biện pháp trừng phạt Trung Quốc và đặc khu thông qua việc chấm dứt quy chế thương mại đặc biệt của thành phố này.
Trong tuyên bố đầu tiên về vấn đề Hồng Kông, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết sẽ "kiên quyết" bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), ông Chen Daoxiang, chỉ huy đơn vị đồn trú của quân đội Trung Quốc ở Hồng Kông, cho hay lực lượng này sẽ hành động với quyết tâm cao để thực thi quyết định và kế hoạch của chính quyền trung ương tại đặc khu.
Căng thẳng Mỹ - Trung xoay quanh vấn đề Hồng Kông khiến nhu cầu đối với vàng, kênh trú ẩn an toàn khi bất ổn chính trị và kinh tế, tăng cao và đẩy giá của kim loại quý này lên cao. Theo nhà phân tích Warren Patterson của Tập đoàn ING (Hà Lan), nếu căng thẳng giữa hai nước leo thang, giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm khi nhiều nước dần dỡ bỏ biện pháp phong tỏa. Chứng khoán châu Á cũng khởi sắc trong phiên giao dịch hôm 26-5. Ông Rodrigo Catril, chiến lược gia cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Úc (NAB), nhận định: "Mặc dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang nhưng các nhà đầu tư dường như dành sự quan tâm nhiều hơn đối với triển vọng các nền kinh tế toàn cầu dần mở cửa trở lại".
Bình luận (0)