xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lựa chọn khó cho Trung Quốc

HOÀNG PHƯƠNG

Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh tuyên bố các cuộc biểu tình sẽ không thay đổi quan điểm của Trung Quốc về cải cách chính trị ở Hồng Kông

Hàng chục ngàn người biểu tình đòi dân chủ tiếp tục ở lại trên đường phố Hồng Kông hôm 30-9, đồng thời tích trữ nhu yếu phẩm và dựng chướng ngại vật giữa lúc có tin đồn cảnh sát sẽ tìm mọi cách giải tán đám đông trước ngày quốc khánh Trung Quốc (1-10).

Cột mốc quan trọng

Bầu không khí tại các điểm biểu tình tương đối yên ả nhưng nhiều người lo ngại đây là khoảng lặng trước cơn bão.

Sui-ying Cheng, một sinh viên 18 tuổi, cho biết: “Nhiều quan chức từ đại lục sẽ đến Hồng Kông nhân dịp quốc khánh Trung Quốc. Chính quyền ở đây sẽ không muốn họ nhìn thấy cảnh tượng này nên cảnh sát phải làm điều gì đó. Chúng tôi không sợ. Chúng tôi vẫn ở đây tối 30-9 vì đó là thời điểm quan trọng nhất”.

Ngày 1-10 cũng là hạn chót mà người biểu tình đưa ra để chính quyền đáp ứng những yêu cầu của họ. Tuyên bố ngắn gọn của phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” còn đòi Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh từ chức và cho biết sẽ công bố “những kế hoạch bất tuân dân sự mới” trong ngày 1-10.

 

Một người theo dõi địa điểm biểu tình từ tòa nhà bên trong doanh trại của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hồng Kông hôm 30-9Ảnh: South China Morning Post

Một người theo dõi địa điểm biểu tình từ tòa nhà bên trong doanh trại

của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Hồng Kông hôm 30-9. Ảnh: South China Morning Post

 

Số lượng người biểu tình ở Hồng Kông dự kiến đông hơn nhiều trong ngày bắt đầu kỳ nghỉ lễ mừng quốc khánh.

Ngoài ra, theo trang Facebook của phong trào “Thống nhất vì dân chủ: Toàn cầu đoàn kết với Hồng Kông”, một loạt cuộc biểu tình dự kiến diễn ra tại Macau, TP Toronto - Canada, TP Copenhagen - Đan Mạch, TP Hamburg - Đức, TP Seattle - Mỹ, TP Dublin - Ireland, TP Paris - Pháp... trong ngày 1-10.

Những động thái trên cho thấy phe biểu tình đã sẵn sàng cho một “trận chiến” lâu dài bất chấp lời kêu gọi chấm dứt của ông Lương Chấn Anh.

Trong phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi cảnh sát trấn áp mạnh tay người biểu tình vào tối 28-9, ông Lương chỉ trích hành động của phong trào “Chiếm lĩnh trung tâm” đã ảnh hưởng đến đời sống, sự an toàn của người dân cũng như nền kinh tế và hình ảnh Hồng Kông.

Ông cũng khẳng định các cuộc biểu tình sẽ không thay đổi quan điểm của Trung Quốc về cải cách chính trị ở đặc khu này, đồng thời bóng gió sẽ không từ chức. Nhà lãnh đạo này tuyên bố cảnh sát Hồng Kông đủ khả năng duy trì an ninh mà không cần đến sự giúp đỡ của binh sĩ đến từ đại lục.

Nhân nhượng hay mạnh tay?

Đối mặt lời kêu gọi không can thiệp vào tình hình Hồng Kông của Trung Quốc, Mỹ tỏ ra thận trọng: Một mặt ủng hộ các cuộc biểu tình nhưng mặt khác không muốn thấy căng thẳng leo cao, dẫn đến nguy cơ Bắc Kinh trấn áp mạnh tay.

Điều này thể hiện qua tuyên bố của Nhà Trắng hôm 29-9, thúc giục lực lượng an ninh “kiềm chế” và người biểu tình “thể hiện quan điểm trong ôn hòa”. Theo Reuters, các quan chức cấp cao Mỹ đang âm thầm liên lạc với những người đồng cấp Trung Quốc để nhắc nhở sự ổn định của Hồng Kông - một trung tâm tài chính thế giới - tùy thuộc vào cách họ xử lý cuộc khủng hoảng.

Báo The Wall Street Journal nhận định tình hình Hồng Kông hiện nay khiến Chủ tịch Tập Cận Bình đối mặt với lựa chọn khó khăn: nhượng bộ hoặc mạnh tay. Tuy nhiên, bất kỳ lựa chọn nào cũng gây rắc rối cho Bắc Kinh cũng như vị thế chính trị của ông Tập.

Nếu chấp nhận điều chỉnh hệ thống bầu cử ở Hồng Kông theo đòi hỏi của người biểu tình, ông Tập có thể bị xem là yếu đuối. Nhưng giải tán đám đông bằng vũ lực có thể phản tác dụng và tái diễn “thảm kịch Thiên An Môn”.

Trước mắt, nguy cơ này không cao, nhất là khi chính quyền Hồng Kông đã rút cảnh sát chống bạo động khỏi đường phố. Ông Dingding Chen, giáo sư tại Trường ĐH Macau, nhận định: “Điều họ muốn tránh nhất lúc này là một cuộc xung đột đẫm máu”.

Trong khi đó, báo The New York Times chỉ ra vẫn còn chỗ cho thỏa hiệp nếu ông Tập muốn theo đuổi nó. Một giải pháp có thể là thay thế ông Lương, nhân vật đang bị người biểu tình căm ghét. Bước đi này có thể hạ nhiệt tình hình dù chưa hẳn giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Ngoài ra, Bắc Kinh có thể cho phép cử tri Hồng Kông có thêm tiếng nói trong việc lựa chọn thành viên cho ủy ban bầu cử vốn có vai trò chọn ra 2-3 ứng viên cho vị trí đặc khu trưởng.

Tuy nhiên, tờ báo này nhận định không dễ để Trung Quốc tìm được một giải pháp lâu dài và được tất cả các bên chấp nhận về vấn đề Hồng Kông.

 

FireChat gây sốt

Người biểu tình Hồng Kông đang đổ xô tải ứng dụng nhắn tin điện thoại FireChat - cho phép liên lạc trong phạm vi ngắn thông qua kết nối Bluetooth - để đề phòng trường hợp bị phá sóng điện thoại hoặc kết nối WiFi.

Theo tạp chí Forbes, FireChat đã được tải về hơn 100.000 lượt ở Hồng Kông từ cuối tuần rồi kể từ khi các thủ lĩnh sinh viên đưa ra lời kêu gọi này. Tuy nhiên, công ty Open Garden (Mỹ), nhà phát triển FireChat, cho rằng người sử dụng không nên dùng tên thật bởi mọi thứ họ gõ trên ứng dụng này đều được đăng tải công khai.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo