Người biểu tình nấp dưới mái hiên tòa nhà
Người biểu tình che dù ngồi dưới mưa. Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP
Ảnh: Bloomberg
Khi cơn mưa trút xuống, những người biểu tình vội vã chạy tới cây cầu vượt, mái hiên các tòa nhà gần đó trú, nhiều người mặc áo mưa, che dù nhưng có những người vẫn quyết ngồi yên đội mưa. Một lãnh đạo biểu tình Hồng Kông trong áo mưa vàng đứng lên kêu gọi mọi người bảo vệ sức khỏe của mình để tiếp tục tranh đấu.
Trước đó vài phút, lãnh đạo sinh viên Lester Shum và Agnes Chow đã có cuộc nói chuyện với đám đông. Hai người cảm ơn những người biểu tình đã tham gia và kêu gọi người dân tiếp tục tham gia cuộc biểu tình vào ngày mai, 1-10, Quốc khánh Trung Quốc.
Agnes Chow gửi thông điệp đến Đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh: “Trong trường hợp có hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người ra đường, ông nên tôn trọng ý kiến nhân dân Hồng Kông và từ chức”. Lãnh đạo sinh viên này kêu gọi ông Lương hãy để tự người dân Hồng Kông sống dưới hệ thống dân chủ thực sự, trước mắt là một cuộc bầu cử dân chủ.
Lúc 17 giờ 45, cảnh sát Hồng Kông đã tổ chức buổi họp báo và cho biết việc bắn 87 phát đạn hơi cay vào người biểu tình hôm Chủ nhật (28-9) là chuyện bất đắc dĩ. Cảnh sát trưởng Steve Hui Chun-tak nói rằng cảnh sát đã tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc sử dụng vũ lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ và dùng tới 87 phát đạn bắn hơi cay.
Ông lưu ý rằng có thể biển cảnh báo trước khi bắn hơi cay đã khiến người dân hiểu lầm và họ không hề muốn nổ súng. “Chỉ có bình xịt hơi cay, dùi cui được sử dụng”, đại diện cảnh sát Hồng Kông nói.
Khi được hỏi liệu có sự can thiệp của quân đội Trung Quốc trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát Hồng Kông cho biết họ đủ nhân lực để “đối phó trước mọi tình huống”. Nhiều nhân viên đã làm hơn 12 giờ trong ba ngày qua.
Trước lời cáo buộc rằng việc phong tỏa đường của người biểu tình đã ảnh hưởng đến hoạt động của xe cứu thương và các dịch vụ khẩn khác, lãnh đạo sinh viên cho biết sẽ “mở hành lang nhân đạo” cho phép xe cấp cứu xuyên qua.
Trước đó, Hội Liên hiệp sinh viên Hồng Kông tuyên bố nếu ông Lương Chấn Anh không từ chức, các cuộc biểu tình sẽ tiếp diễn. Tối hậu thư đưa ra sau khi những nhà lãnh đạo Hồng Kông yêu cầu người biểu tình giải tán lập tức và cho rằng phong trào ảnh hưởng đến dịch vụ, nền kinh tế, uy tín quốc tế của đặc khu, đồng thời sẽ không thay đổi vai trò chính trị của Trung Quốc ở Hồng Kông.
Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn lời các học giả ủng hộ nền dân chủ ở Hồng Kông cho biết họ bị dọa giết. GS xã hội học tại một trường đại học Trung Quốc Chan Kin-man – người có mặt trong hàng đầu của cuộc biểu tình – cho biết ông nhận được chồng phong bì có dòng chữ nguệch ngoạc tiếng Trung Quốc với nội dung dọa giết. Một học giả khác là Benny Tai – giáo sư luật tại Trường ĐH Hồng Kông – cũng cho biết ông nhận được phong bì dọa giết và một lưỡi dao lam.
Trung Quốc ngày 30-9 mô tả cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô ở Hồng Kông là bất hợp pháp và cho biết sẽ hỗ trợ lãnh đạo đặc khu xử lý người biểu tình.
“Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ chính quyền Hồng Kông trong việc đối phó với vấn đề này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố. Bà Hoa cho rằng việc biểu tình ở đặc khu là bất hợp pháp và phản đối mọi hành vi bất hợp pháp ở Hồng Kông.
Bên cạnh đó, bà Hoa cũng lên án các nước, bao gồm Mỹ và Anh có thái độ đứng về phía người biểu tình. “Chuyện Hồng Kông thuộc vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi cảnh báo các thế lực bên ngoài không nên can thiệp tình hình nội bộ của Trung Quốc bằng bất kỳ cách nào”, bà Hoa tiếp.
Trước đó, ngày 30-9, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông quan ngại sâu sắc về xung đột giữa cảnh sát chống bạo động và hàng ngàn người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Bình luận (0)