Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) theo đường lối bảo thủ của đương kim Thủ tướng Angela Merkel đã giành số phiếu cao nhất song chưa đủ để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới. Điều đáng nói là Đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đối tác của CDU/CSU trong liên minh cầm quyền - hiện nay không nhận đủ số phiếu tối thiểu theo luật định để có đại diện trong quốc hội.
Báo The Wall Street Journal chỉ ra rằng FDP đã phải trả giá vì không thể giữ đúng cam kết biến thuế má trở nên “đơn giản, thấp và công bằng” sau khi gia nhập liên minh cầm quyền năm 2009. Đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp, Thủ tướng Merkel vào năm 2010 quyết định loại bỏ vấn đề cắt giảm thuế ra khỏi chương trình nghị sự trong ít nhất 2 năm.
Về lý thuyết, kết quả bầu cử đã mang lại 3 khả năng thành lập chính phủ liên minh mới ở Đức: liên minh giữa CDU/CSU với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) về thứ 2, liên minh CDU/CSU - Đảng Xanh và liên minh SPD - Đảng Xanh - đảng cánh tả. Tuy nhiên, kịch bản được nói đến nhiều nhất chính là đại liên minh CDU/CSU - SPD. Sự ủng hộ của cử tri Đức đang là một thuận lợi đối với một “đại liên minh” cầm quyền. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 2/3 người dân muốn CDU/CSU và SPD bắt tay thành lập một chính phủ ổn định để lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong 4 năm tới. Dù vậy, để ước muốn trên thành hiện thực, cả CDU/CSU lẫn SPD đều cần phải vượt qua không ít hoài nghi, lo ngại lẫn phản đối từ trong nội bộ và bên ngoài.
Về phía SPD, các lãnh đạo đảng này cần phải xua tan lo ngại rằng việc bắt tay với CDU/CSU sẽ chỉ khiến đảng này thêm lu mờ bởi cái bóng quá lớn của Thủ tướng Merkel đang được lòng dân. Một số người thậm chí cho rằng SPD, chính đảng lâu đời nhất nước, sẽ chỉ toàn thua thiệt nếu gia nhập đại liên minh.
Phe ủng hộ CDU/CSU cũng lo lắng. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ - xương sống của nền kinh tế - đang e ngại nguy cơ xuất hiện các biện pháp tăng thuế và tăng lương tối thiểu nếu các đảng cánh tả như SPD tham gia liên minh cầm quyền. Một thách thức nữa là liên minh của bà Merkel sẽ phải có những nhượng bộ về chính sách và vị trí trong nội các nếu muốn lôi kéo được SPD.
Và rồi hôm 27-9, SPD đã chịu thương thảo với CDU/CSU để bắt tay lập chính phủ mới nhưng quá trình này có thể tốn không ít thời gian vì cả hai bên đang có quan điểm khác biệt về không ít vấn đề, từ chuyện lương tối thiểu, thuế cho đến cách thức xử lý cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng cho dù liên minh cầm quyền mới có hình hài như thế nào đi nữa thì vẫn sẽ không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách của Đức, cả về đối nội lẫn đối ngoại và “nước Đức vẫn sẽ tiếp tục cổ xúy chính sách thắt lưng buộc bụng ở trong nước và trong khu vực đồng euro”.
Bình luận (0)