Phóng viên Mathilda Gustavsson của tờ Dagans Nyheter (DN) cho biết phong trào "MeToo" đã khiến cô mạnh dạn điều tra ông Jean-Claude Arnault. Quan trọng hơn, cô được Trưởng Ban Văn hóa DN khuyến khích và "chống lưng". Rào cản lớn nhất đối với Gustavsson là thế lực quá lớn của "nhà văn hóa nổi tiếng" Arnault vào thời điểm cô thực hiện cuộc điều tra. Vả lại, công luận Thụy Điển xưa nay không quá khắt khe về chuyện quấy rối tình dục, trừ các vụ hiếp dâm.
Hiệu ứng "MeeToo"
Gustavsson đã bỏ ra nhiều tháng để tiếp cận các nạn nhân. Cô đã tìm ra hơn 20 người từng bị Arnault quấy rối và bạo hành tình dục, trong đó có cả một số viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển (SA).
Viện trưởng Sara Danius mất chức vì chống lại Arnault và phe ủng hộ ông ta ở SA Ảnh: EPA
Hiệu ứng domino của "MeToo"đã thúc đẩy tất cả nạn nhân đồng ý cho đăng những gì họ kể lại với nhà báo với điều kiện không bị nêu tên hay hình ảnh. Chỉ có 4 người can đảm cho đăng ảnh chân dung kèm theo bài báo.
Gustavsson kể lại: "Vạn sự khởi đầu nan nhưng đến người thứ 15, mọi việc trở nên dễ dàng". Nhiều người còn tìm đến cô để tâm sự. Cuối cùng, Gustavsson đã chọn 18 trường hợp để viết bài báo gây chấn động hồi tháng 11-2017.
Bài báo không nêu đích danh ông Arnault mà chỉ nói "một nhân vật nổi tiếng trong giới văn hóa". Các chi tiết rất ấn tượng, đọc xong nhiều người thấy tởm lợm. Sờ soạng thân thể, tấn công bằng vũ lực rồi thực hiện giao cấu khi đối phương tê liệt vì "quá sợ hãi" là "chiêu" mà Arnault thường dùng.
Nạn nhân phần lớn là phụ nữ trẻ, ít nhiều thần tượng Arnault - vốn nổi tiếng khắp nước và có vẻ ngoài đạo mạo của một người lớn tuổi. Lợi dụng sự non nớt, ngây thơ của nạn nhân, ông ta thường đạt mục đích mà không sợ bị lên án hay kiện cáo. Mấy chục năm trôi qua, ông ta vẫn bình an vô sự.
Trước đây là vậy nhưng giờ, nó trở thành vụ xì-căng-đan mà cả Thụy Điển đều biết. Hầu hết những người xưa nay tỏ ra khoan dung khi báo chí đề cập những vụ quấy rối tình dục đã xoay ngược 180 độ.
"Rồi, ông ta lại giở trò"!
Nữ văn sĩ Elize Karlsson là một trong những người tố cáo Arnault trên báo DN. Karlsson đã nhiều lần bị quấy rối nhưng đáng nhớ nhất là vào năm 2008, khi cô làm việc ở Trung tâm Văn hóa Forum do ông ta làm giám đốc.
"Thình lình, tôi cảm thấy một bàn tay sờ soạng cơ thể mình. Khi ấy, giám đốc Arnault đứng sau lưng tôi. Bị sốc, tôi quát lớn "đừng đụng vào người tôi". Nói xong, tôi tát vào mặt ông ta rồi bỏ chạy" - Karlsson nhớ lại.
Hậu quả là hôm sau, Arnault thông báo Karlsson "bị sa thải". Ông ta còn chì chiết cô là "nghệ sĩ đáng ghét".
Chuyện của Gabriella Hakansson, một nữ nhà văn trẻ nay đã thành danh, ly kỳ hơn. Năm nay 50 tuổi, sinh sống ở Malmo - thành phố lớn thứ ba của Thụy Điển, bà là một trong 4 người cho phép DN đăng ảnh chân dung.
Mùa thu 2007, khi Hakansson và bạn trai được mời tới dự một cuộc tọa đàm về văn học ở Stockholm, ông Arnault tìm đến bà để đàm đạo. "Chúng tôi mới nói được vài câu thì bàn tay ông ấy đã luồn vào người tôi. Sự việc diễn ra nhanh quá sức tưởng tượng. Tôi phản ứng bằng một cái tát trời giáng" - bà kể.
Đến giờ, Hakansson vẫn nhớ rõ thái độ của nhiều người xung quanh. Dù chứng kiến tận mắt nhưng họ chỉ cười và kháo nhau: "Rồi, ông ấy lại giở trò". Bạn trai của Hakansson đòi đấm Arnault do không biết ông ta là ai nhưng cô đã can ngăn vì "không muốn gặp rắc rối với nhân vật nổi tiếng".
Hakansson lý giải: "Hồi đó, với lớp trẻ chúng tôi và cả thế hệ đi trước, Arnault là một người được trọng vọng. Tôi là một phụ nữ hấp dẫn, từng có nhiều đàn ông theo đuổi tán tỉnh nhưng chưa bao giờ bị sàm sỡ thô tục như vậy".
Mười năm sau, Hakansson cùng 7 người đồng cảnh ngộ quyết định thưa Arnault ra tòa. Thế nhưng, có đến 7 lá đơn bị bác bỏ vì quá thời hiệu khiếu kiện hoặc chứng cứ thiếu rõ ràng. Lá đơn còn lại được chấp nhận đã khiến Arnault ra tòa hôm 19-9 vừa qua.
Im lặng đáng sợ
Không phải là viện sĩ SA nhưng ông Arnault được nhiều người có vai vế bênh vực. Đến nay, người ta vẫn nhớ bài báo "Hung thần trong giới tinh hoa văn hóa" của tuần báo Expressen đăng ngày 5-4-1997. Tác giả bài báo đã phanh phui cách đối xử thô bỉ với phụ nữ của Arnault tại Forum.
"Một nhân vật nổi tiếng trong giới văn hóa đã bị tố cáo quấy rối tình dục nhân viên ở Forum. Một nạn nhân bị ông ta cưỡng dâm đã viết thư tố cáo lên SA và các cơ quan văn hóa nhưng không có kết quả vì nhân vật này được bảo vệ hết mình" - bài báo viết.
Nạn nhân đó - không được nêu tên trong bài báo vì lý do an ninh - nay được xác định là Anna-Karin Bylund, một nghệ sĩ trẻ. Ông Sture Allen, Viện trưởng SA lúc bấy giờ, chỉ cho biết đã nhận được và đọc toàn bộ lá thư của Bylund mà không bình luận gì rồi "án binh bất động". Bà Frostenson, vợ ông Arnault, cũng im thin thít và từ chối tiếp phóng viên Expressen.
Bà Lena Andersson - nhà văn, nhà phê bình văn học và là nhà báo nổi tiếng ở Thụy Điển - nhìn nhận: "Không ai không biết thói dâm dật của Arnault. Song, trước khi có phong trào "MeToo", người ta tin rằng đó là thuộc tính của những người thượng lưu, của giới cha chú và gia trưởng. Chuyện họ tán tỉnh phụ nữ quá đà một chút cũng không hệ trọng gì. Ai cũng biết Arnault là một kẻ sát gái và hình như vợ ông ta cũng chấp nhận chuyện đó".
Kỳ tới: Quấy rối cả nữ hoàng tương lai
Mất chức vì chống "yêu râu xanh"
Ba ngày sau khi DN đăng bài báo gây chấn động giới văn hóa Thụy Điển, nhà bình luận và phê bình văn học Sara Danius, Viện trưởng SA (tên gọi chính thức là thư ký thường trực), triệu tập một phiên họp khẩn cấp. Sau 2 giờ 30 phút thảo luận, bà Danius thông báo với báo chí rằng SA đã biểu quyết đồng loạt đình chỉ hợp tác với Arnault và chấm dứt tài trợ cho Forum.
Theo bà Danius, một số thành viên SA cùng vợ và con gái họ đã cam chịu những "hành vi không phù hợp" của ông Arnault hoặc "bị sờ mó thô bỉ". Bà yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra nội bộ, đồng thời kêu gọi giới luật sư xem xét về mặt pháp lý các khoản trợ cấp cho Forum và hành vi nhơ nhớp của Arnault. Cũng vì quan điểm này, bà đã bị các viện sĩ SA thuộc phe Arnault gây áp lực buộc phải từ chức ngày 12-4.
Bình luận (0)