Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đã đoạt giải Nobel Văn chương 2012 hôm 11-10 vì những tác phẩm mà ủy ban trao giải thưởng mô tả là có những đặc tính của “chủ nghĩa hiện thực ảo giác” hòa quyện với “những câu chuyện dân gian, lịch sử và đời sống hiện đại” được sáng tạo ngay trên vùng đất quê hương ông.
“Ông có một lối viết quả là độc đáo. Nếu bạn đọc nửa trang của Mạc Ngôn, ngay lập tức bạn nhận ra nó chính là phong cách ông ấy” - giáo sư Peter Englund, Thư ký Thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, hào hứng ca ngợi. Ông nói bút danh Mạc Ngôn có nghĩa là “không nói” và tên thật của ông ấy là Quản Mạc Nghiệp. Và chính Mạc Ngôn giải thích về bút danh của mình rằng với tên gọi là “không nói”, ông có ý nhắc nhở mình giữ gìn miệng lưỡi để tránh rơi vào những chuyện phiền phức và giấu mình sau mặt nạ từ khi ông bắt đầu viết trong thời gian tại ngũ.
Giáo sư Englund phát biểu với đài truyền hình Thụy Điển: “Mạc Ngôn ở nhà với cha của mình. Chúng tôi đã liên lạc với ông trước khi công bố trao giải. Ông ấy cho biết đã vui mừng khôn xiết và bần thần khi nghe tin mình được giải thưởng lớn”.
Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn. Ảnh: REUTERS
Ủy ban trao giải thưởng nhận xét Mạc Ngôn là sự pha trộn của khả năng tưởng tượng, hiện thực và viễn cảnh lịch sử xã hội để tạo ra một thế giới thấp thoáng trong các tác phẩm của William Faulkner và Gabriel Garcia Marquez. Đồng thời, theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông ấy đã khám phá ra một “điểm xuất phát trong văn học cổ Trung Quốc và chuyện truyền khẩu”.
Mạc Ngôn sinh năm 1955, lớn lên ở thị xã Cao Mật, tỉnh Sơn Đông thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc. Cha mẹ ông đều là nông dân. Các tác phẩm của ông được thai nghén và ra đời chủ yếu ở Trung Quốc.
Theo nhận định của hãng tin AP, giải thưởng này hầu như chắc chắn được hoan nghênh tại Trung Quốc, không như nhà văn đoạt giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba bị cho là chống đối quyết liệt chính quyền Bắc Kinh. Thật vậy, tin nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn chương lan truyền rất nhanh ở Trung Quốc với niềm hoan hỉ, đặc biệt là trong cộng đồng mạng. Năm 2000, nhà văn Trung Quốc quốc tịch Pháp, Cao Hành Kiện, cũng đã giành giải Nobel Văn chương nhưng không được Trung Quốc thừa nhận.
Nobel Văn chương là giải thứ tư được trao trong mùa giải năm nay. Các tác giả châu Âu đã giành 4 trong số 5 giải văn chương thời gian qua, trong đó giải thưởng năm ngoái thuộc về nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer. Giải thưởng dành cho nhà văn Trung Quốc có giá trị 1,2 triệu USD.
Bình luận (0)