Tội phạm có tổ chức đang thâu tóm nền kinh tế Ý giữa lúc kinh tế đang chìm trong khủng hoảng và biến mafia thành một “ngân hàng” lớn nhất nước cũng như bóp nghẹt hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ của nước này.
Đó là nhận định được đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 10-1 của SOS Impresa, một tổ chức được thành lập tại thành phố Palermo 10 năm trước để chống lại hoạt động tống tiền đối với doanh nghiệp nhỏ.
Cho vay nặng lãi là quốc nạn
Báo cáo nói trên cảnh báo rằng tình trạng cho vay nặng lãi của các tổ chức tội phạm đang trở thành “quốc nạn”, một phần vì mối liên hệ giữa nó với một số nhà chức trách và chính khách.
Tội phạm có tổ chức hiện có doanh thu lên đến 140 tỉ euro và lợi nhuận hơn 100 tỉ euro mỗi năm. Báo cáo cũng nhận định: “Với số tiền mặt lên đến 65 tỉ euro, mafia hiện là ngân hàng số 1 ở Ý”.
Một thành viên băng đảng mafia ‘Ndrangheta bị bắt vào năm ngoái. Ảnh: AP
Theo báo cáo này, các nhóm tội phạm có tổ chức như Cosa Nostra ở Sicily, Camorra ở Napoli và ‘Ndrangheta ở Calabria từ lâu đã kiểm soát nền kinh tế Ý, thu về các khoản lợi nhuận tương đương 7% tổng sản phẩm quốc gia. Cho vay nặng lãi ngày càng trở thành một nguồn thu nhập lợi nhuận cao và tinh vi bên cạnh việc buôn bán ma túy, vũ khí, mại dâm, cờ bạc và tống tiền.
Báo cáo cho biết kiểu cho vay nặng lãi truyền thống ở khu phố đã nhường chỗ cho những tổ chức cho vay được điều hành chặt chẽ và chuyên nghiệp. Không còn hình ảnh những găng-xtơ đến giao tiền mặt tại các quán bar hoặc quán bida. Thay vào đó là sự xuất hiện của những chủ ngân hàng, luật sư hoặc công chứng viên khả kính.
Báo cáo nhận định: “Đây là kiểu tống tiền với một diện mạo sạch sẽ. Thông qua nghề nghiệp của mình, họ biết được cơ chế hoạt động của thị trường tín dụng hợp pháp và cũng thường biết rõ tình hình tài chính của những nạn nhân của mình”.
Thiệt hại lớn
Nạn nhân của tình trạng cho vay nặng lãi này thường là những chủ cửa hàng trong độ tuổi trung niên hoặc doanh nhân đang vật lộn với việc tìm kiếm việc làm mới hoặc sẵn sàng làm đủ mọi cách để tránh bị phá sản.
Báo cáo nhận định: “Họ thường là những người làm việc trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống, như thực phẩm, rau quả, quần áo, giày dép, hoa hoặc đồ nội thất. Đây là những ngành đang phải trả giá cao cho cuộc khủng hoảng kinh tế”.
Theo hãng tin Reuters, báo cáo ước tính khoảng 200.000 doanh nghiệp ở Ý có liên quan tới những kẻ cho vay nặng lãi mỗi năm và hậu quả là đã có hàng chục ngàn việc làm bị mất và hơn 1.800 doanh nghiệp đóng cửa mỗi năm.
Hậu quả không chỉ dừng lại ở đó. Tổ chức doanh nghiệp nhỏ Conferscenti, một đơn vị có đóng góp nội dung cho báo cáo nói trên, tiết lộ rằng những chủ doanh nghiệp nào vay tiền từ mafia sau buộc phải trả lãi cao hoặc đối mặt với nguy cơ xảy ra các vụ tấn công nhằm vào tài sản hoặc người thân của mình.
Trong một số trường hợp, án mạng đã xảy ra. Marco Venturi, Chủ tịch Conferscenti, nhận định: “Trong thời buổi kinh tế khủng hoảng này, các tổ chức mafia là nhóm doanh nhân duy nhất có khả năng đầu tư”.
Doanh nghiệp nhỏ khó khăn
Theo một báo cáo mới của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ CNA ở Ý, ngân hàng đã siết chặt các yêu cầu cho vay đối với 56% doanh nghiệp nhỏ ở nước này trong 3 tháng qua. Không ít doanh nghiệp nhỏ vốn khó khăn trong việc vay mượn vào thời buổi kinh tế sụt giảm buộc phải chuyển sang vay tiền của mafia. |
Bình luận (0)