Đây là cách giới truyền thông Ý gọi một đường dây tập hợp các quan chức, doanh nhân và tội phạm đã thao túng nhiều gói thầu xây dựng của Rome.
Theo hãng tin Reuters, những gói thầu mà quan chức Rome bán cho nhiều doanh nhân bao gồm các công trình công cộng cho đến việc quản lý các cơ sở xử lý và tái chế chất thải, các trung tâm tiếp nhận hàng ngàn người di cư từ châu Phi.
Sự nghiệp của ông Marino càng bị đe dọa khi cảnh sát tiếp tục bắt 6 người bị nghi dính líu vào tuần rồi, trong đó có một quan chức Cơ quan Di sản Văn hóa Rome. Người này bị cáo buộc giúp đỡ doanh nhân Fabrizio Amore giành các gói thầu xây dựng tại thủ đô, trong đó có dự án trùng tu phòng họp lớn ở tòa thị chính.
Trước đó 1 tuần, 44 người đã bị bắt vì tình nghi có liên hệ với Massimo Carminati - kẻ bị cáo buộc là người điều hành đường dây nêu trên và sa lưới pháp luật vào cuối năm ngoái. Hơn 40 người cũng bị bắt vào năm ngoái trong khi khoảng 100 người, bao gồm cựu Thị trưởng Rome Gianni Alemanno và một số doanh nhân nổi tiếng, đang bị đưa vào tầm ngắm điều tra.
Không chỉ công kích Thị trưởng Marino, một số chính khách đối lập còn kêu gọi giải tán chính quyền “đã bị mafia xâm nhập” của ông. Vụ bê bối làm cả Thủ tướng Matteo Renzi và Đảng Dân chủ (PD) trung tả bị vạ lây vì ông Marino là một thành viên đảng này. Thị trưởng Rome cho đến giờ vẫn bác bỏ lời kêu gọi từ chức nhưng không vì thế mà sức ép nhằm vào ông giảm đi.
Theo đài BBC, tội phạm có tổ chức tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều thành phố khắp nước Ý, buộc Tổng thống Sergio Mattarella thừa nhận đây là “căn bệnh ung thư” cần được loại bỏ.
Bình luận (0)