Trở lại lãnh đạo đất nước ở tuổi 93, Thủ tướng Mahathir Mohamad không những làm rung chuyển các thể chế trong nước mà còn thay đổi chiến lược đối ngoại của Malaysia. Chính phủ của ông đang xem xét hủy bỏ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trị giá gần 40 tỉ USD được ký kết thời chính quyền người tiền nhiệm Najib Razak. Chính phủ mới của Malaysia cũng vô cùng lo ngại về sự khiêu khích và không ngừng quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.
Trước viễn cảnh Trung Quốc thống trị một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng thế giới, ông Mahathir đang tìm kiếm các mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ hơn với Nhật Bản và phương Tây. Từ lâu được xem là một trong những người bạn thân nhất của Trung Quốc, Malaysia giờ đây trở thành một phần làn sóng chống lại sự bá quyền kinh tế của Bắc Kinh ở châu Á.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh hồi tháng 8 -2018 Ảnh: REUTERS
Trong lần nắm quyền trước đó (từ năm 1981-2003), Thủ tướng Mahathir duy trì lập trường cứng rắn chống phương Tây, đặc biệt là sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Trung Đông. Nhà lãnh đạo Malaysia chỉ trích Mỹ đơn phương xâm lược, tàn phá các quốc gia Hồi giáo và tiến hành "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu", đưa lực lượng đặc nhiệm đến các khu rừng ở Đông Nam Á. Thời điểm đó, quan điểm độc lập giúp ông nhận được không ít ca ngợi và trở thành người hùng trong thế giới Hồi giáo và những nơi khác.
Ở chiều ngược lại, ông xem Trung Quốc là quốc gia thân thiện, cường quốc mới nổi có thể đối trọng với phương Tây. Dù vậy, nhiều thứ đã thay đổi trong 2 thập kỷ qua. Giờ đây, tình hình địa chính trị châu Á đã hoàn toàn khác với một Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng và tìm cách thay thế vị trí lãnh đạo của Mỹ ở châu lục này. Trong bối cảnh như thế, ông Mahathir có quan điểm ngày càng cứng rắn với Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, ông công khai gọi hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc là "rất đáng lo ngại".
Đáng chú ý hơn, ông còn chỉ trích các thỏa thuận giữa Bắc Kinh với chính quyền tiền nhiệm - tìm kiếm khoản tài trợ trị giá khoảng 2,3 tỉ USD - trong bối cảnh vụ bê bối tham nhũng của quỹ đầu tư nhà nước 1MDB nổ ra. Thủ tướng Malaysia cáo buộc ông Razak ký với Trung Quốc các thỏa thuận có lợi cho ông để đổi lại sự im lặng về việc Bắc Kinh leo thang quân sự hóa biển Đông. Vì lẽ đó, chính phủ Malaysia đương nhiệm đang tìm kiếm các biện pháp bảo vệ lợi ích của mình tại biển Đông, bao gồm củng cố hiện diện quân sự, công khai chỉ trích hành vi của Trung Quốc và ủng hộ công thức hòa bình mới giúp xuống thang căng thẳng trong khu vực.
Kịch tính hơn, Malaysia đang cân nhắc hủy bỏ các dự án hạ tầng lớn được Trung Quốc tài trợ tại các khu vực chiến lược sát eo biển Malacca và biển Đông. Thủ tướng Mahathir đã bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch, tính khả thi về kinh tế và việc hạn chế sử dụng lao động, công nghệ, quản lý của địa phương trong các dự án liên quan đến Trung Quốc. Vật lộn với khoản nợ công ngày càng phình to (gần 250 tỉ USD), Malaysia đứng ngồi không yên về nguy cơ sập "bẫy nợ" của Trung Quốc như một số nước khác.
Đứng đầu danh sách các dự án bị xét lại là tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) trị giá 20 tỉ USD do Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc thực hiện, dự án Melaka Gateway 10 tỉ USD do Công ty PowerChina International đứng đầu và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trị giá 2,5 tỉ USD do công ty con của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc thực hiện. Bên cạnh đó, chính phủ Malaysia cũng hạn chế người dân Trung Quốc mua bất động sản của dự án Forest City trị giá 100 tỉ USD. Đây là dự án gần như chỉ được tiếp thị cho người mua từ đại lục.
Dù vậy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn không từ chối các khoản đầu tư của Trung Quốc. Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong hồi tháng rồi cho biết điều mà Malaysia tìm kiếm là những khoản đầu tư chất lượng, minh bạch, không tham nhũng và tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Giờ đây, Bắc Kinh nhìn thấy ở ông Mahathir không còn là một người bạn cũ trung thành mà là một nhân vật chỉ trích nổi bật. Là đất nước có quan điểm trung lập đối với chính trường khu vực, Malaysia đang trở thành tiếng nói hàng đầu kêu gọi những mối quan hệ cùng có lợi, cân bằng giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.
Bình luận (0)