Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi giải thích quy định mới nhằm bảo đảm NSDLĐ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc thuê mướn lao động nước ngoài, theo báo The Star. “Chính phủ cũng sẽ ra văn bản quy định rõ những trách nhiệm, yêu cầu dành cho NSDLĐ trong tương lai gần” - ông Zahid cho biết. Cũng theo phó thủ tướng, nhiệm vụ nộp thuế của NSDLĐ bắt đầu ngay từ khi lao động làm đơn xin việc cho đến khi họ trở về nước.
Không dừng lại ở đó, theo hãng tin Bernama, ông Zahid tiết lộ thêm chính phủ Malaysia cũng đang xem xét lại tỉ lệ tiền ký quỹ thế chấp dành cho người tuyển dụng lao động nước ngoài. Lý do là tỉ lệ ký quỹ hiện nay quá thấp, không đủ sức bảo đảm người lao động nước ngoài trở về nước khi kết thúc hợp đồng. Thêm vào đó, ông Zahid chỉ trích một số chủ doanh nghiệp có hành động vô trách nhiệm và sai trái đối với người lao động được họ mang từ nước ngoài vào.
Chính phủ Malaysia đã nhận được báo cáo cho thấy một số NSDLĐ không trả lương cho công nhân của họ theo chính sách lương tối thiểu đã được thực thi hồi đầu năm 2016. Họ cũng hạn chế lao động di cư đi lại, thậm chí còn giữ hộ chiếu của họ. “Có những trường hợp lao động nước ngoài bỏ trốn và NSDLĐ phủi tay, để mặc Bộ Nhập cư, cảnh sát và các cơ quan khác tìm kiếm và đưa họ trở về nước. Những vụ việc như vậy tạo điều kiện cho hành vi buôn người phát triển” - ông Zahid khẳng định.
Theo thống kê của Malaysia, khoảng 2,1 triệu lao động nước ngoài có đăng ký sẽ hưởng lợi từ quyết định về thuế nói trên. Cục Quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, ước tính có khoảng 100.000 lao động Việt Nam ở Malaysia (trong đó có 60.000 người đang làm việc theo hợp đồng) được miễn thuế này. Cũng theo cục trên, mức đóng thuế bình quân khoảng 110 ringgit/tháng/người (khoảng 550.000 đồng).
Dĩ nhiên là giới chủ doanh nghiệp Malaysia phản ứng quyết liệt quyết định mới của chính phủ. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Nhà tư bản công nghiệp Malaysia, ông Moehamad Izat Emir, kêu gọi chính phủ giải thích lý do đưa ra quyết định trên. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Hiệp hội Giới chủ doanh nghiệp Malaysia (MEF) Shamsuddin Bardan cảnh báo nền kinh tế đất nước sẽ mất đi 5 tỉ ringgit Malaysia (khoảng 25.000 tỉ đồng) mỗi năm vì quyết định này. Theo ông, nền kinh tế Malaysia đang tổn thất 3 tỉ ringgit mỗi năm khi chính phủ áp dụng mức lương tối thiểu cho lao động nước ngoài.
Việc bên nào đóng thuế thu nhập là đề tài gây tranh cãi từ lâu ở Malaysia. Năm 2009, chính phủ Malaysia buộc chủ sử dụng lao động đóng nhưng đến năm 2013, trước sức ép của doanh nghiệp, chính phủ lại chuyển nghĩa vụ đóng thuế sang cho người lao động nước ngoài.
Bình luận (0)