Cụ thể, căn cứ hải quân Kota Kinabalu ở Teluk Sepanggar sẽ được trang bị thêm hệ thống phòng không. Căn cứ này là nơi neo đậu của 2 tàu ngầm tấn công lớp Scorpene có tên KD Tunku Abdul Rahman và KD Tun Razak cùng nhiều tàu chiến khác.
Trong thông cáo được công bố ngày 26-1, ông Hishammuddin nói động thái trên nhằm đối phó với tình hình trên biển Đông và vùng biển đông Sabah. Theo hãng thông tấn Bernama, việc mua thiết bị phòng không sẽ được quyết định sau vì còn phụ thuộc vào ngân sách. Ngoài ra, ông Hishammuddin cũng cho biết cơ sở sửa chữa tàu ngầm Scorpene đang được xây tại căn cứ đã hoàn thiện 12%, theo đúng kế hoạch.
Nằm gần các khu vực tranh chấp trên biển Đông, căn cứ Kota Kinabalu được xây năm 2001 và có sự hợp tác chặt chẽ với Brunei và Philippines thông qua những cuộc tập trận thường niên. Đây cũng là nơi nhiều tàu nước ngoài như Mỹ, Úc, Brunei, Pháp, Nhật, Singapore và Ấn Độ cập cảng.
Tạp chí quốc phòng Jane's (Anh) nhận định Malaysia tăng cường khả năng phòng không tại căn cứ trên có thể xuất phát từ việc Trung Quốc ngày càng dòm ngó bãi đá James (Trung Quốc gọi là bãi ngầm Tăng Mẫu). Bãi đá James cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chừng 80 km và cách bờ biển phía Nam Trung Quốc đến 1.800 km. Thế nhưng, Trung Quốc đặt bãi đá này vào điểm tận cùng phía nam của bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý nuốt gần trọn biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, vào tháng 1-2014, Trung Quốc đã điều một đội 3 tàu hải quân tuần tra bãi James, bao gồm chiếc Trường Bạch Sơn, tàu đổ bộ lớn nhất Trung Quốc, và 2 khu trục hạm. Binh sĩ và sĩ quan của đội tàu này đã thề quyết tâm bảo vệ "chủ quyền biển đảo đất nước”.
Trước đó, theo Reuters, Malaysia hồi tháng 3-2013 từng phản đối 4 tàu hải quân Trung Quốc đi vào bãi đá James. Các thủy thủ trên tàu Trung Quốc lúc đó được cho là đã bắn chỉ thiên trong khu vực bãi đá. Một tháng sau, một tàu hải giám Trung Quốc quay lại bãi đá James để đóng cột thép nhằm “khẳng định chủ quyền” của Bắc Kinh.
Bình luận (0)