Cách đây tròn 3 năm, vào ngày 8-3-2014, chuyến bay số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) biến mất khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Tới ngày 13-2 vừa qua, một người đàn ông được cho là Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tử vong tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Cả hai bí ẩn đều được ghi nhận tại Malaysia, chỉ khác ở chỗ các nhà điều tra có nhiều bằng chứng về cái chết của “ông Kim Jong-nam” hơn là về chiếc máy bay xấu số của MAS.
Chuyến bay MH370
Hy vọng giải đáp bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại đã tan thành mây khói hồi tháng 1 vừa qua sau khi cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 ngừng lại. Không có dấu hiệu nào của chiếc Boeing 777 – được cho là rơi xuống Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển Tây Úc - được phát hiện. Quá trình tìm kiếm đã ngốn của các nước tham gia – gồm Úc, Malaysia và Trung Quốc - khoảng 160 triệu USD.
Tổng cộng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay được tin là đã thiệt mạng. Dù kết thúc quá trình tìm kiếm nhưng chính phủ một số nước vẫn tiếp tục điều tra. Tại Úc, một nhóm chuyên gia quốc tế đang tìm hiểu khu vực phía Bắc của vùng tìm kiếm trước đây xem có phải là nơi chuyến bay MH370 rơi xuống hay không.
Hôm 4-3, Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết 85% khả năng chiếc Boeing 777 nằm trong khu vực rộng 25.000 km vuông mới. Song Úc, Malaysia và Trung Quốc tuyên bố sẽ không cấp vốn hỗ trợ cuộc tìm kiếm mới trừ khi biết được vị trí chính xác của máy bay. Vì vậy, gia đình các nạn nhân đang tích cực quyên góp với hy vọng nhận được ít nhất 15 triệu USD thông qua gây quỹ trực tuyến và tài trợ từ các công ty.
Các nhà điều tra Úc hiện vẫn phân tích mảnh vỡ được cho là phần cánh của MH370, mảnh vỡ đầu tiên tìm thấy ngoài khơi bờ biển châu Phi vào tháng 7-2015. Malaysia, nước dẫn đầu cuộc điều tra nguyên nhân MH370 mất tích, cho biết họ cũng sẽ tăng cường tìm kiếm phần còn lại của máy bay dọc theo bờ biển châu Phi.
Hơn 20 mảnh vỡ được cho là của chuyến bay MH370 đã được phát hiện cho đến nay, bao gồm 2 mảnh mới ở châu Phi tìm thấy cách đây 2 tuần. Malaysia hy vọng công bố một báo cáo kỹ thuật cuối cùng về những gì đã xảy ra với chiếc máy bay xấu số dựa trên dữ liệu và bằng chứng có sẵn trong năm nay.
Cái chết của “ông Kim Jong-nam”
Từ kết quả khám nghiệm pháp y, chính quyền Malaysia thông báo “ông Kim Jong-nam” bị giết chết bởi chất độc thần kinh VX hôm 13-2 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Nạn nhân qua đời khoảng 20 phút sau khi bị 2 người phụ nữ tiếp cận và “chụp chất độc lên mặt”.
Hai nữ nghi can, Đoàn Thị Hương (Việt Nam) và Siti Aisyah (Indonesia), đã bị bắt và bị buộc tội giết người. Cảnh sát địa phương đang tìm kiếm 7 nghi can Triều Tiên. Có 4 người được cho là rời khỏi Malaysia vào ngày xảy ra vụ tấn công nhưng 3 người khác dường như vẫn đang lẩn trốn tại nước này. Trong đó có một người là nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia cùng một nhân viên của hãng hàng không Air Koryo (Triều Tiên). Cảnh sát tin rằng họ có thể đang trốn trong đại sứ quán.
Ngoài việc yêu cầu Malaysia không khám nghiệm pháp y, Triều Tiên còn bác bỏ kết luận “ông Kim Jong-nam” bị đánh thuốc độc.
Luật sư Sankara Nair nói rằng cảnh sát Malaysia có thể gặp khó khăn nếu muốn bắt 4 người Triều Tiên đã trở về Bình Nhưỡng cùng nhà ngoại giao đang ở đại sứ quán tại Malaysia.
Trong khi đó, luật sư Nair cho biết phía Malaysia có quyền bắt nhân viên của Air Koryo nếu anh ta còn ở Malaysia. Trường hợp không bắt thêm được nghi can nào, việc kết tội 2 nữ nghi can Việt Nam và Indonesia phụ thuộc vào bằng chứng hiện có của cảnh sát.
Nếu công tố viên không thể chứng minh họ có tội, cáo buộc sẽ bị giảm xuống từ giết người xuống còn “hành động bộc phát hoặc không cẩn trọng dẫn đến chết người”. Tội này bị phạt tiền và 2 năm tù giam, theo luật sư Nair.
Bình luận (0)