Bảo vệ công dân là ưu tiên hàng đầu của Malaysia và nước này sẽ không do dự thực hiện tất cả biện pháp cần thiết nếu người dân bị đe dọa.
Đáp trả cứng rắn
Đó là tuyên bố của Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 7-3 khi ông lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên cấm người dân Malaysia rời khỏi nước này và “giữ họ như con tin”. Ông Najib gọi đó là hành động coi thường luật pháp quốc tế và các quy tắc ngoại giao, đồng thời kêu gọi Triều Tiên lập tức trả tự do cho công dân mình.
Theo Reuters, Thủ tướng Malaysia cũng triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia để bàn biện pháp đối phó. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này ra lệnh cảnh sát ngăn chặn tất cả công dân Triều Tiên ở Malaysia rời khỏi cho đến khi bảo đảm được sự an toàn của công dân Malaysia tại Triều Tiên. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi khẳng định Malaysia không muốn trả đũa nhưng không còn lựa chọn nào khác khi phải “đối đầu với một quốc gia vi phạm đạo đức và quy tắc ngoại giao quốc tế”.
Phản ứng trên được Kuala Lumpur đưa ra sau khi Bình Nhưỡng ra lệnh tạm cấm công dân Malaysia rời Triều Tiên nhằm bảo đảm an toàn của các nhà ngoại giao, công dân Triều Tiên tại Malaysia. “Tất cả công dân Malaysia ở Triều Tiên sẽ tạm thời bị cấm rời khỏi nước này cho đến khi vụ công dân Triều Tiên bị sát hại ở Malaysia được giải quyết hợp lý” - hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) trích lời Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Dù vậy, Triều Tiên bày tỏ hy vọng vụ việc được xử lý nhanh chóng và thỏa đáng để cải thiện mối quan hệ song phương với Malaysia. Malaysia cho biết hiện có 11 công dân ở Triều Tiên trong khi khoảng 1.000 người Triều Tiên được cho là đang làm việc tại Malaysia.
Trước đó một ngày, Triều Tiên cũng có màn “ăn miếng trả miếng” với Malaysia khi ra lệnh trục xuất đại sứ nước này. Một số nguồn tin nói các nhân viên tại Đại sứ quán Malaysia ở Bình Nhưỡng được nhìn thấy đã đốt tài liệu và chất hành lý lên xe không lâu sau lệnh trục xuất. Theo kênh truyền hình CCTV 13 (Trung Quốc), cờ bên trong tòa nhà đã được hạ xuống và có 3 chiếc xe rời khỏi đó sáng 7-3.
Đại sứ Malaysia ở Triều Tiên, ông Mohamad Nizan, đã trở về nước hôm 22-2 sau khi tranh cãi nổ ra liên quan đến cuộc điều tra cái chết một công dân Triều Tiên tên Kim Chol - được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đại sứ Triều Tiên Kang Chol buộc phải rời Kuala Lumpur hôm 6-3 sau khi bị chính phủ Malaysia trục xuất.
Cả hai nước đều phạm luật?
Vấn đề là, theo đài BBC, những hành động trả đũa qua lại nói trên giữa Triều Tiên và Malaysia bị xem là bất hợp pháp. Theo điều 13 của Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ quốc gia nào để trở về nước mình. Malaysia đã ký tuyên ngôn trên nhưng Triều Tiên thì không. Ngoài ra, lệnh cấm xuất cảnh còn vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao mà hai nước đã phê chuẩn.
Không chỉ ngoại giao mà cả thương mại cũng có nguy cơ “dính đòn”. Trong cuộc họp dự kiến vào ngày 10-3, nội các Malaysia sẽ quyết định có tiếp tục giao thương với Triều Tiên hay không. Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 4 triệu USD năm 2016 và 4,9 triệu USD năm trước đó.
Tuần trước, Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia cho biết bất chấp căng thẳng giữa hai nước, Malaysia sẽ không áp dụng biện pháp cấm vận thương mại cũng như ngăn cản các công ty tư nhân làm ăn với Triều Tiên. Theo kế hoạch, cuộc họp nội các nói trên còn thảo luận về việc có đóng cửa Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur hay không, theo hãng tin Kyodo.
Khám nghiệm lại tử thi?
Tổng thanh tra cảnh sát Malaysia Tan Sri Khalid Abu Bakar hôm 7-3 tiết lộ 3 trong số 8 người Triều Tiên bị truy tìm để thẩm vấn về vụ sát hại người được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong-un, hiện ẩn náu trong đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur. Danh tính 3 người này được xác định là Hyon Kwang-Song, Hyon Kyang-song và Kim Uk-il, theo báo New Straits Times.
Phát biểu tại cuộc họp báo, sĩ quan Khalid nhấn mạnh nếu 3 người này không sớm trình diện, cảnh sát sẽ có cách bắt họ lộ diện và hợp tác trong cuộc điều tra án mạng theo chương 111 Bộ Luật Tố tụng Hình sự Malaysia. “Nếu họ không trình diện, chúng tôi sẽ ban hành lệnh bắt giữ. Chúng tôi sẽ không khám xét tòa nhà sứ quán mà chờ đợi họ ở bên ngoài. Họ sẽ lộ diện, đó chỉ là vấn đề thời gian” - ông Khalid khẳng định và nói thêm cảnh sát sẵn sàng chờ 5 năm. Ngoài ra, ông Khalid phàn nàn nhà chức trách Triều Tiên hiện không đáp ứng yêu cầu giao 3 nghi phạm này cho phía Malaysia. Trước mắt, Malaysia đã đệ đơn đề nghị Interpol hỗ trợ lần theo dấu vết của những người này.
Cho đến giờ, mới có 2 nữ nghi phạm bị ra tòa vì dính líu đến vụ việc, gồm Đoàn Thị Hương và một phụ nữ Indonesia tên Siti Aisyah. Hôm 7-3, luật sư S. Selvam của nghi phạm người Việt Nam Đoàn Thị Hương kêu gọi nhà chức trách Malaysia khám nghiệm thi thể nạn nhân lần thứ hai. Theo ông, cựu Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Ri Tong-il đã nhấn mạnh công dân Triều Tiên “Kim Chol” chết vì đau tim, không phải bị đầu độc và đây là lý do hợp lý để phía Malaysia xem xét lại. “Nếu khám nghiệm lần hai, phải có chuyên gia phù hợp. Chúng ta cũng phải mời chuyên gia pháp y Triều Tiên, những người am hiểu về chất độc thần kinh VX” - ông S. Selvam nói với báo The Star. Chất độc thần kinh VX được cho là tác nhân khiến nạn nhân tử vong.
Lục San
Bình luận (0)