Hồi tháng 4, Bộ trưởng Năng lượng Khoa học Công nghệ Môi trường và Biến đổi khí hậu Yeo Bee Yin đã yêu cầu gửi những container chứa rác thải này trở lại nước xuất xứ sau khi chúng được phát hiện trong các nhà máy tái chế bất hợp pháp.
Rác thải bị kẹt ở các cảng ở Malaysia vì người ta không biết đưa chúng đi đâu. Ảnh: THE STAR
Theo một nguồn tin trong ngành, các container rác thải bị kẹt tại cảng vì không thể truy tìm được người gửi từ nước xuất xứ.
Người này nói: "Vấn đề trở nên tồi tệ hơn, bên nhập khẩu nguyên liệu và nhận chúng ở Malaysia cũng hầu như không thể tìm được".
Điều này đã gây khó khăn cho việc truy tìm người giao nhận hàng hóa ở nước ngoài hoặc đơn vị tái chế.
"Đó có lẽ là do một số nhà máy tái chế bất hợp pháp ở Malaysia được quản lý và điều hành bởi những người nước ngoài đã rời khỏi nước này sau khi cơ sở của họ bị lục soát gần đây" - nguồn tin cho biết.
Ngay cả khi đã xác định được các bên từ nước xuất xứ, hầu hết đều từ chối hợp tác vì họ không có nghĩa vụ pháp lý hợp tác với Malaysia và nhận rác trở lại.
Cũng theo nguồn tin, hầu hết số rác thải bị kẹt trong các container đều có thể tái chế. Sẽ ít tốn kém hơn nếu chỉ tái chế chúng thay vì gửi trả lại. Chi phí sẽ rất cao nếu chính phủ Malaysia trả tiền cho các nhà giao nhận vận tải, trong trường hợp chủ sở hữu vật liệu phế thải được xác định.
Ngoài chuyện biết phải gửi rác thải đi đâu, các công ty giao nhận vận tải có nhiệm vụ trả lại số rác thải này cho nước xuất xứ cũng phải biết ai sẽ thanh toán cho họ.
Vấn đề ở đây là, chính phủ Malaysia có phân bổ ngân sách để gửi trả các container rác thải này về cho các nước xuất xứ hay không.
Vào ngày 28-9 gần đây, Bộ trưởng Yeo nói rõ rằng chính phủ Liên bang Malaysia sẽ không bỏ ra một xu để gửi các container chứa rác thải bất hợp pháp trở lại các quốc gia nguồn gốc.
Bà nhấn mạnh: "Đây không chỉ là chuyện chi phí; đó là vấn đề phẩm giá. Vì sao họ gửi rác cho chúng tôi và chúng tôi vẫn cần trả tiền cho họ để gửi trả lại?"
Ngoài ra, bà cho rằng những người gửi phải có trách nhiệm nộp tiền phạt cho việc nhập chất thải bất hợp pháp cho đến khi họ thu gom chúng lại.
Tháng trước, Phó tổng thư ký Bộ Năng lượng Khoa học Công nghệ Môi trường và Biến đổi Khí hậu, Tiến sĩ K. Nagulendran, đã nói rằng có hơn 200 container chất thải nhựa nhập khẩu đang chờ để được gửi trở lại quốc gia nguồn gốc và gần như tất cả mọi container này đều không có giấy phép.
Ông cũng nói rằng vấn đề thách thức là xác định quốc gia xuất xứ vì nhiều container đã bị từ bỏ bởi những người tái chế vô đạo đức.
Trong khi đó, chuyên gia Mageswari Sangralingam cho biết Malaysia hiện đang ở trong một vũng lầy vì chính phủ không thể thực thi nghiêm ngặt các quy định cũng như không kiểm soát được loại chất thải được nhập khẩu vào nước này. Theo ông Mageswari, nếu các quốc gia khác như Campuchia, Indonesia có thể gửi trả lại rác thải, Malaysia sẽ có thể xác định các nhà xuất khẩu cũng như các nhà nhập khẩu và gửi trả lại rác thải.
Về phần mình, ngành công nghiệp hậu cần Malaysia đã trở nên thận trọng khi nhiều đơn vị nước ngoài tìm cách đưa rác thải đến nước này.
Bình luận (0)