Theo báo cáo mới của Trường ĐH Liên Hiệp Quốc (Nhật Bản), số rác thải điện tử ở 12 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á được nghiên cứu đã tăng 63% trong giai đoạn 2010-2015. Chỉ tính riêng năm 2015, con số này đạt mức 12,3 triệu tấn.
Châu Á là thị trường thiết bị điện tử, gia dụng lớn nhất - chiếm gần phân nửa doanh số toàn cầu - nhưng cũng là khu vực tạo ra nhiều rác thải điện tử nhất. Những yếu tố góp phần dẫn đến thực trạng này là thu nhập tăng, dân số trẻ bùng nổ, sản phẩm lỗi thời nhanh chóng do công nghệ cải tiến và mẫu mã không ngừng thay đổi, nạn buôn bán rác thải điện tử bất hợp pháp.
“Người tiêu dùng ở châu Á hiện nay thay thế thiết bị điện tử thường xuyên hơn. Thêm vào đó, nhiều sản phẩm được thiết kế nhằm giúp sản xuất với chi phí thấp mà không thể sửa chữa, khôi phục hoặc tái chế dễ dàng” - báo cáo nhận định.
Nỗi lo hiện nay là, theo cuộc nghiên cứu, không có nhiều quốc gia được trang bị tốt để đối phó “núi rác thải” càng cao từ điện thoại thông minh, máy tính, tivi, máy điều hòa không khí và sản phẩm hư hỏng khác. Hiện chỉ có vài nước - như Hàn Quốc, Nhật Bản… - có hệ thống tái chế rác thải điện tử theo luật ban hành vào những năm 1990.
Trong khi đó, một số cách làm có hại cho môi trường - đốt nhựa để lấy đồng, làm nóng chảy linh kiện để thu kim loại quý trong rác thải điện tử… - lại phổ biến ở những nước đang thiếu luật xử lý rác thải điện tử như Indonesia, Thái Lan, Campuchia...
Không những thế, theo hãng tin AP hôm 15-1, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tái chế không an toàn gây hại đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh, như phổi, gan, thận… bị tổn hại, vô sinh, những vấn đề sức khỏe tâm thần…
Vì thế, báo cáo thúc giục các chính phủ ban hành quy định, luật lệ cụ thể về quản lý chất thải điện tử hoặc thực thi nghiêm ngặt những luật hiện có. Ông Ruediger Kuehr, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho rằng số lượng rác thải điện tử được tạo ra hiện cao hơn nhiều so với ước tính của các chính phủ. Điều này nên là hồi chuông cảnh tỉnh dành cho nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng.
Theo ông Kuehr, con người hưởng lợi từ các sản phẩm điện tử hiện đại nhưng cần phải tái sử dụng các nguyên vật liệu trong thiết bị điện tử bỏ đi nếu không muốn tài nguyên bị cạn kiệt trong tương lai.
Bình luận (0)