Trong bức ảnh, tổng thống 93 tuổi mặc đồ vest, ngồi ghế bành trong cuộc đàm phán nhằm buộc ông chấp thuận từ bỏ vị trí một cách danh dự.
Những nhân vật còn lại trong cuộc đàm phán gồm tư lệnh quân đội Constantino - Tướng Chiwenga, Bộ trưởng Quốc phòng Sydney Sekerayami, các chính trị gia Nam Phi: bà Nosiviwe Mapisa-Nqakula và ông Bongani Bongo. Linh mục Fidelis Mukonori cũng có mặt với vai trò người hòa giải.
Trong bức ảnh không có vợ ông Mugabe, bà Grace. Trước đó, phu nhân tổng thống được cho là ở cùng chồng tại căn biệt thự trị giá 7,5 triệu bảng Anh tại thủ đô Harare.
Tổng thống Mugabe (giữa) đàm phán cùng các nhân vật cấp cao. Ảnh: The Herald
Ảnh: The Herald
Khi những bức ảnh xuất hiện trên tờ The Herald vào chiều 16-11 (giờ địa phương), nhiều thông tin khẳng định ông Mugabe không chịu từ chức ngay lập tức dù đang bị áp lực cực lớn. "Họ đã gặp nhau. Ông ta không chịu từ chức. Tôi nghĩ ông ta đang cố kéo dài thời gian" - một nguồn tin thân cận với lãnh đạo quân đội tiết lộ.
Các bức ảnh còn khiến nhiều người hoang mang khi cho thấy ông Mugabe mỉm cười và bắt tay Tướng Chiwenga, người tổ chức cuộc đảo chính. Hình ảnh này làm dấy lên thắc mắc liệu thời gian cai trị của ông Mugabe sắp kết thúc hay chưa?
Tờ The Herald không đề cập kết quả của cuộc đàm phán, khiến 13 triệu người dân của Zimbabwe không hề hay biết gì về tình hình hiện tại.
Ông Mugabe bắt tay Tư lệnh quân đội Chiwenga. Ảnh: The Herald
Ảnh: The Herald
Có thể quân đội muốn ông Mugabe từ chức trong im lặng và nhường lại vị trí cho ông Emmerson Mnangagwa, phó tổng thống bị sa thải vào tuần trước. Mục đích chính của các lãnh đạo quân đội là ngăn chặn ông Mugabe trao quyền lực vào tay vợ.
Trong khi đó, có nhiều suy đoán cho rằng các tướng lĩnh quân đội có thể đã yêu cầu Trung Quốc ủng hộ trước khi tiến hành đảo chính. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chuyến thăm Bắc Kinh tuần rồi của ông Chiwenga, người dường như đã nắm quyền kiểm soát Zimbabwe, chỉ là một "cuộc trao đổi quân sự thông thường".
Tuy nhiên, tờ Daily Telegraph đưa tin giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể đã ngầm ủng hộ ông Chiwenga đảo chính.
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn là nước ủng hộ Tổng thống Mugabe, bất chấp các chỉ trích quốc tế về sự cai trị độc tài và vi phạm nhân quyền của ông này. Tổng thống Zimbabwe và gia đình cũng có quan hệ gần gũi với đặc khu hành chính Hồng Kông, nơi họ dính líu vụ kiện liên quan đến một cơ ngơi sang trọng và là nơi con gái ông đang học đại học.
Thông tin trên được tiết lộ khi có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của quân đội tại châu Phi. Vào tháng 7, Bắc Kinh đã đưa quân đến vùng Sừng châu Phi để thành lập căn cứ nước ngoài đầu tiên.
Bình luận (0)