Hãy quên đi những khuôn mặt đầy vết xăm trổ - điểm đặc trưng của các băng đảng. Cách nhận biết thành viên của băng đảng khét tiếng MS-13 giờ đây chính là "sneaker" - loại giày phong cách thể thao có đế bằng cao su.
Đặc điểm nhận biết
Edwin Manica Flores, một thủ lĩnh của MS-13 ở El Salvador, đã cảnh báo đồng bọn và thuộc hạ không nên mặc quần áo và màu sắc liên quan đến MS-13 để tránh bị lực lượng thực thi pháp luật chú ý. Tên này đặc biệt khuyên họ không dùng giày Nike Cortez màu trắng và xanh dương. "Ăn mặc như thế, kẻ thù có thể nhận biết chúng ta, cảnh sát có thể bắt chúng ta. Để sống tốt ở đó, phải khiêm tốn để tránh bị phát hiện" - trùm tội phạm 35 tuổi này trò chuyện qua điện thoại với các thủ lĩnh khác của băng nhóm.
Mẫu Nike Cortez ra mắt lần đầu ra mắt vào năm 1972, là "kiệt tác" đầu tiên của nhà đồng sáng lập hãng Nike, Bill Bowerman và là một trong những đôi giày chạy phổ biến nhất tại Thế vận hội Mùa hè năm 1972. Theo chuyên gia người Mỹ Ronald "Cook" Barrett, lý do MS-13 chọn giày Cortez là một đặc điểm nhận biết của băng nhóm một phần đến từ nguồn gốc bờ Tây nước Mỹ của họ. Ngoài ra, nhóm này còn chịu ảnh hưởng bởi băng đảng người Mexico tại địa phương, trong đó những thành viên thường mang giày Cortez và quần kaki.
MS-13 ra đời ở TP Los Angeles - Mỹ vào những năm 1980 trước khi bành trướng đến bờ Đông. Nhóm này được cho là có khoảng 10.000 thành viên ở Mỹ (tập hợp người nhập cư Trung Mỹ và sinh tại Mỹ), bên cạnh 40.000 thành viên khắp Trung Mỹ. MS-13 hiện là băng đảng duy nhất bị chính phủ Mỹ xem là "tổ chức tội phạm xuyên quốc gia" và trở thành mục tiêu trấn áp hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Các thành viên MS-13 bị đưa đến nhà tù an ninh nghiêm ngặt ở Zacatecoluca - El Salvador hôm 12-10 Ảnh: Reuters
Flores thuộc số 3.800 thành viên băng MS-13 bị bắt và buộc tội trong chiến dịch kéo dài 6 tháng qua ở khắp Trung Mỹ và Mỹ. Riêng Flores bị buộc tội tống tiền và đang bị tạm giam ở El Salvador. Theo cáo trạng, nội dung cuộc trò chuyện qua điện thoại nói trên của y bị ghi âm bí mật. Khi đó, Flores đang ở El Salvador và trao đổi với các thủ lĩnh khác tại một cuộc họp ở TP Richmond, bang Virginia - Mỹ vào tháng 12-2015.
Các thủ lĩnh của MS-13 ở những bang khác, như Boston, Houston, Ohio, New Jersey, Virginia, Maryland, Bắc Carolina... cũng tham gia cuộc họp. Ngoài cảnh báo về chuyện mang giày, Flores còn kêu gọi những thủ lĩnh khác tham gia "Chương trình bờ Đông", được ra đời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc và chuyển tiền từ Mỹ đến El Salvador. Các thủ lĩnh MS-13 tại El Salvador sử dụng tiền nhận được từ các thành viên ở Mỹ để mua vũ khí, điện thoại di động, thực phẩm, giày và trang trải chi phí pháp lý cho những thành viên bị tống giam.
Ăn mặc cẩn thận trước khi ra đường
Một số thương hiệu giày, cũng như các kiểu quần áo đường phố, từ lâu gắn liền với các băng nhóm tội phạm nên đây là những yếu tố thường được cảnh sát và cả những băng đảng đối thủ chú ý. Hồi tháng 6, một băng đảng đã tấn công 2 người đàn ông ở bang Maryland - Mỹ vì cho rằng 1 trong 2 nạn nhân có liên hệ với băng nhóm đối thủ khi nhìn vào đôi giày Cortez dưới chân ông ta. Trong trường hợp khác hồi tháng 7, một người đàn ông bị bắn ở bang Maryland cũng vì lý do tương tự.
Ở Trung Mỹ, việc mang mẫu giày nổi tiếng của hãng Nike vào năm 1972, Adidas Superstar hay giày Puma hoặc để một kiểu tóc nào đó cũng có thể khiến bản thân mất mạng. Ba quốc gia Guatemala, El Salvador hoặc Honduras đang đối mặt với sự leo thang của nạn bạo lực băng đảng. Theo số liệu thống kê hồi năm 2014, có đến 15.802 vụ giết người ở 3 quốc gia Trung Mỹ này, trong đó phần lớn liên quan đến bạo lực băng nhóm. Ở mỗi quốc gia, hơn một nửa số nạn nhân dưới 25 tuổi, bị sát hại bởi các thành viên băng đảng.
Thực trạng trên đồng nghĩa hàng triệu thanh thiếu niên ở khu vực này phải cân nhắc về trang phục hằng ngày khi ra đường nếu không muốn bị hiểu lầm và oan mạng. "Tôi không thể đội mũ bóng chày thấp mũi, quay ngược mũi ra sau hoặc một bên. Áo không thể quá rộng hoặc ôm sát cơ thể. Nếu ai đó đi đứng trông như một thành viên băng đảng, cảnh sát có thể bắt giữ họ để thẩm vấn" - Arnulfo, một cư dân 22 tuổi ở ngoại ô thủ đô Tegucigalpa - Honduras, giải thích.
Cô Viviana Soto, 29 tuổi, làm việc cho một chương trình hỗ trợ thanh niên của Quỹ Demos, cho biết: "Đối với thanh niên Guatemala, mọi thứ đều phức tạp vì chúng tôi không được đi lại thoải mái ngoài đường phố". Tại thị trấn Lourdes, ngoại ô thủ đô San Salvador - El Salvador, giới trẻ than phiền họ chỉ còn biết dành thời gian nghỉ ngơi tại nhà, chơi game thay vì ra ngoài giải trí tại quảng trường hoặc sân bóng bởi các băng đảng có thể đến đó bất cứ lúc nào để thách đấu.
Bình luận (0)