Hôm 12-4 vừa qua, một phụ nữ Úc bất ngờ rơi khỏi chiếc du thuyền Pacific Dawn trên vùng biển gần New Caledonia, lãnh thổ hải ngoại của Pháp.
Mất tích không dấu vết
Khi vụ việc xảy ra, du thuyền lập tức dừng lại để tìm kiếm người phụ nữ nhưng không thành. Một ngày sau đó, cuộc tìm kiếm bị hủy do sóng to trong lúc nạn nhân khó có thể sống sót.
Sau khi du thuyền trở về TP Brisbane, bang Queensland, cảnh sát đã điều tra vụ việc. Kết quả kiểm tra camera giám sát cho thấy người phụ nữ tên Natasha Schofield nêu trên đã nói chuyện với chồng trước khi nhảy xuống biển tự tử. Thi thể nạn nhân đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
Không phải những thảm kịch xảy ra trên du thuyền nào cũng được làm sáng tỏ như vậy. Hồi tháng 8-2004, bà Merrian Carver, một phụ nữ 40 tuổi sống tại bang Massachusetts - Mỹ, quyết định du lịch một mình từ TP Seattle đến bang Alaska bằng du thuyền. Điều đáng buồn là bà Carver mãi mãi không thể trở về nhà. Sau khi không liên lạc được với mẹ, con gái bà Carver liền báo tin cho ông bà ngoại. Tất cả họ đều không hay biết chuyện bà Carver du lịch bằng du thuyền. Sau khi được trình báo về vụ mất tích, cảnh sát bang Massachusetts mới truy ra được bà đã mua vé đi du thuyền của Công ty Celebrity Cruises.
Thông qua cuộc điều tra riêng, gia đình nạn nhân phát hiện một tiếp viên trên du thuyền được cho là từng báo cáo về sự mất tích của bà Carver nhưng không ai quan tâm và hầu hết hành lý của bà đều bị vứt bỏ. Cho đến giờ, người thân của bà Carver vẫn không biết đích xác chuyện gì đã xảy ra dù cuộc tìm kiếm kéo dài đến gần một năm và tiêu tốn rất nhiều công sức của họ. Trong khi đó, Royal Caribbean Cruises, công ty mẹ của Celebrity Cruises, cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác định không có bằng chứng về hành vi sai trái trong sự mất tích của bà Carver và tòa án đã bác bỏ các cáo buộc chống lại công ty này.
Theo số liệu do chuyên gia Ross Klein của Trường ĐH Tưởng niệm Newfoundland (Canada) thu thập được, gần 300 người đã bị rơi khỏi tàu du lịch biển và phà kể từ năm 2000. Ngoài ra, ông Klein còn ước tính 49 người đã mất tích bí ẩn như bà Carver khi đi du lịch hoặc làm việc trên du thuyền trong cùng giai đoạn. Nhiều người trong số này cũng bị cho là đã rơi xuống biển.
Nhân viên điều tra trên đường đến du thuyền Pacific Dawn để tìm hiểu vụ việc hôm 15-4 Ảnh: BRISBANE TIMES
Nỗ lực của người ở lại
Những gì diễn ra với gia đình bà Carver không phải là cá biệt. Vào tháng 5-2017, một người đàn ông Mỹ 61 tuổi đột ngột mất tích và bị cho là ngã xuống biển khi đang trên một chiếc du thuyền qua Nam Thái Bình Dương. Khoảng một tháng trước đó, một người đàn ông 32 tuổi mất tích sau khi nhảy từ cabin tàu ngoài khơi Bahamas.
Theo ông Klein, đây chỉ là 2 trong số ít nhất 13 vụ người rơi xuống biển được ghi nhận trong năm 2017. Trong số này, chỉ 3 người được cứu sống.
Nếu vụ việc không được báo cáo ngay lập tức, cơ hội cứu được nạn nhân là rất thấp. Điều đáng buồn là khoảng 85%-90% vụ việc đều có kết cục bi thảm.
Chuyên gia Mike Tipton tại Trường ĐH Portsmouth (Anh) cho biết độ cao của cú ngã, nhiệt độ của nước biển, tình trạng biển và điều kiện thời tiết đều ảnh hưởng đến tỉ lệ sống sót, bên cạnh những yếu tố khác như thời gian phản ứng của lực lượng cứu hộ, tinh thần và khả năng bơi của nạn nhân. "Điều tốt nhất có thể làm trong những phút đầu rơi xuống nước là cố thả lỏng, bình tĩnh và nổi lên. Hạn chế chuyển động và tiết kiệm năng lượng là chiến lược tốt nhất để cải thiện khả năng sống sót" - ông Tipton khuyên.
Số người rơi xuống biển hoặc mất tích chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong số hàng triệu người du lịch bằng tàu thuyền mỗi năm. Tuy nhiên, con số này chỉ là sự an ủi nhỏ nhoi với người nhà nạn nhân giữa lúc những bi kịch tương tự cứ tiếp diễn. Lý do khiến tình trạng này không chấm dứt và biện pháp giải quyết đã trở thành chủ đề cho những cuộc tranh luận gay gắt giữa ngành công nghiệp tàu du lịch biển và những gia đình bị mất người thân.
Những nhà hoạt động ủng hộ các gia đình nạn nhân đang tích cực làm việc để giảm thiểu các vụ mất tích. Ông Klein cho rằng nên triển khai nhân viên thực thi pháp luật độc lập trên du thuyền, tương tự cảnh sát hàng không trên máy bay, để hỗ trợ điều tra khi có người mất tích hoặc tội ác nào đó xảy ra. Đề xuất này đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Mỹ. Hồi tháng 4-2017, một dự luật nhằm cải thiện sự an toàn của du khách trên tàu thuyền đã được đưa ra lưỡng viện quốc hội Mỹ. Dự luật này yêu cầu các cơ quan chính phủ liên quan nghiên cứu tính khả thi của việc yêu cầu trên du thuyền có một người chuyên "hỗ trợ các vấn đề liên quan đến an toàn và an ninh".
Dự luật này được xây dựng dựa trên một đạo luật ban hành thời Tổng thống Barack Obama năm 2010. Theo đó, các hãng tàu du lịch được yêu cầu thực hiện một loạt biện pháp an ninh, như báo cáo các tội ác xảy ra trên tàu và lắp đặt camera giám sát tại mọi khu vực công cộng, lưu giữ nội dung video giám sát trong ít nhất 30 ngày sau khi hành trình kết thúc… Trường hợp của bà Carver và những vụ hành khách mất tích, thiệt mạng hoặc bị thương đã góp phần thúc đẩy đạo luật này ra đời.
Bình luận (0)