Trong khi đó, các nhà tù trong nước thường xuyên quá tải vì số lượng tù nhân ma túy tăng gấp đôi trong hơn 10 năm qua, một phần vì những bản án hà khắc đưa cả những đối tượng sử dụng lặt vặt vào sau song sắt. Bộ trưởng Tư pháp Paiboon Koomchaya hôm 17-7 nói với Reuters rằng ông đang tìm cách thay đổi bộ luật ma túy khắc nghiệt nhưng nước này vẫn chưa sẵn sàng. Bộ trưởng Paiboon chia sẻ ông muốn rút loại ma túy đá ra khỏi hạng mục ma túy loại 1, đồng nghĩa với việc giảm án phạt - hiện ở mức chung thân tới tử hình - cho tội phạm liên quan tới loại ma túy này (bao gồm sản xuất, buôn bán).
Dù dân số chỉ chiếm 10% ASEAN, Thái Lan lại chiếm gần 40% số tù nhân của khối. Bộ trưởng Paiboon cùng nhiều chuyên gia Liên Hiệp Quốc có chung nhận định rằng các nhà tù ở Thái Lan quá tải một phần vì những bản án ma túy kéo dài. Theo lời ông Thawatchai Chaiywat, Giám đốc nhà tù Klong Prem được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Bangkok, Thái Lan “cứ tưởng nhà tù là thuốc chữa mọi loại tội ác, trong đó có tội phạm ma túy”.
Nhà tù Klong Prem đang giam giữ 6.267 tù nhân lãnh án từ 15 năm tù đến chung thân và tới 64% số này là tội phạm ma túy. Ông Thawatchai cho rằng điều cần làm lúc này là phân định rạch ròi thời hạn tù với các loại tội phạm ma túy lớn nhỏ khác nhau.
Trong khi đó, cuộc chiến chống ma túy tại một “điểm nóng” khác là Philippines ngày càng đẫm máu sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte cam kết sẽ “giết sạch, quét sạch” tội phạm ma túy trong 6 tháng đầu nhậm chức. Hai tuần kể từ thời điểm trên (hôm 30-6), 200 người mua bán, sử dụng ma túy đã bị cảnh sát tiêu diệt. Ngoài ra, khoảng 60.000 đối tượng nộp mình cho chính quyền vì sợ mất mạng.
Hình ảnh những người bị cảnh sát giết chết trong chiến dịch chống ma túy hay những thi thể bị bỏ lại trên đường cùng những tấm bảng viết “Tôi là kẻ buôn bán ma túy” hay “Tôi là kẻ nghiện ma túy” xuất hiện thường xuyên trên các tờ báo địa phương. Nhiều người trong số đó là tội phạm ma túy song một số thi thể không được xác nhận cũng bị cảnh sát bắn chết.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ lo ngại chiến dịch gây tranh cãi của ông Duterte có thể vượt tầm kiểm soát. Đáp lại, tổng thống Philippines hôm 17-7 khẳng định ông không lo ngại về vấn đề nhân quyền và sẽ miễn tội cho lực lượng an ninh trong chiến dịch này. Không những thế, nhà lãnh đạo này còn ra lệnh dựng một tấm bảng điện tử lớn bên ngoài trụ sở cảnh sát ở thủ đô Manila, trên đó hiển thị tổng số nghi phạm ma túy bị bắt hoặc tiêu diệt.
Bình luận (0)