Sau khi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) bị rơi ở miền Đông Ukraine hôm 17-7, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là ai phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này?
Nga bị đổ tội
Theo hãng tin Newsru, Washington khẳng định máy bay Malaysia bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không và có xu hướng đổ lỗi cho phe ly khai thân Nga. Người ta có cảm tưởng cuộc điều tra quốc tế chưa bắt đầu thì Mỹ đã phán quyết Ukraine vô tội.
Như đài CNN đưa tin, đại diện chính quyền Mỹ cho rằng quân đội Ukraine trong khu vực đó không có khả năng cũng như không có động cơ bắn máy bay. Còn Thủ tướng Úc Tony Abbott cũng quả quyết máy bay Malaysia bị quân ly khai bắn rơi.
Hai quốc gia trong cuộc là Nga và Ukraine cũng nhanh chóng trút tội lỗi lên đầu nhau. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vừa buộc tội phe ly khai thân Nga bắn hạ máy bay vừa cho rằng Nga có liên quan.
Tuy nhiên, theo báo Ukrainskaya Pravda, Tổng Công tố Ukraine Vitaly Yarema lại cam đoan quân ly khai miền Đông không có những loại tên lửa có thể bắn hạ máy bay ở độ cao 10.000 m.
Nhà báo Jonathan EyalStill (Anh) viết trên tờ The Straits Times rằng thậm chí nếu như quân nổi dậy sở hữu hệ thống tên lửa Buk - “nghi phạm” số một trong thảm kịch này - họ vẫn không thể sử dụng nếu không có hệ thống radar định vị chính xác. Hệ thống này chỉ chính phủ Nga và Ukraine có.
Ông EyalStill nhận định tất cả mọi chứng cứ đều cho thấy Nga có lỗi. Theo ông, Nga có lý do sử dụng hệ thống phòng không của mình để hỗ trợ phe ly khai, đồng thời lâu nay Nga vẫn bị coi là đứng sau việc bắn hạ ít nhất 6 chiến đấu cơ và trực thăng của quân đội Ukraine. Thêm vào đó, hồi tháng 5 năm nay, Nga thông báo áp đặt “khu vực cấm bay” trên một phần lãnh thổ Ukraine, cũng là khu vực máy bay Malaysia bị rơi.
Ukraine “phải chịu trách nhiệm”
Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Ukraine phải chịu trách nhiệm vì “tội ác” xảy ra trên lãnh thổ nước này. Theo ông Putin, nếu Ukraine không nối lại hoạt động quân sự ở miền Đông thì thảm cảnh đã không xảy ra.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm 18-7 cho biết các đơn vị quân đội Ukraine đóng trong khu vực xảy ra tai nạn được trang bị 27 tổ hợp tên lửa đất đối không Buk-M1. Theo bộ này, tuyến bay của MH17 và vị trí máy bay rơi thuộc khu vực chiến đấu của 2 khẩu đội phòng không tầm xa S-200 và 3 khẩu đội tầm trung Buk-M1 của quân đội Ukraine.
Thêm vào đó, theo báo Vzglyad, quân đội Ukraine đã chuyển một sư đoàn tên lửa Buk đến Donetsk vào sáng 17-7. Thậm chí, cơ quan phát ngôn Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng tuyên bố MH17 bị một chiến đấu cơ Su-25 của Ukraine bắn rơi và chiếc Su-25 cũng bị rơi xuống Luhansk.
Theo hãng tin Ura.ru, nhà báo Nga Egor Kholmogorov đã dựa trên dữ liệu ban đầu của các chuyên gia để đưa ra giả thuyết máy bay Malaysia bị dẫn dắt vào không phận Donetsk. Ông viết: “Vụ việc tương tự vụ khiêu khích với máy bay Hàn Quốc mà người Mỹ đã dắt vào không phận Liên Xô năm 1983 và sau đó nó đã bị bắn hạ”.
Theo Kholmogorov, máy bay Malaysia lúc đó liên lạc với các nhân viên không lưu Kiev và Dnepropetrovsk và đã hướng về phía Bắc nhiều hơn so với tuyến bay bình thường của nó.
Ngoài ra, một nhân viên không lưu nói tiếng Tây Ban Nha làm việc tại sân bay Borispol ở Kiev cho biết có 2 máy bay tiêm kích Ukraine bay kèm MH17 trước khi nó gặp nạn vài phút. Thêm vào đó, ít nhất 2 nhân chứng cho hay trên bầu trời đã lóe lên một thứ ánh sáng nào đó ngay trước tai nạn.
Những thay đổi định mệnh
Như một trò đùa nghiệt ngã của số phận, ông Sanjid Singh - một trong số 15 thành viên phi hành đoàn của chuyến bay MH17 bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine - thiệt mạng do đổi ca vào phút chót. Cái chết của ông diễn ra chỉ vài tháng sau khi người vợ thoát nạn trong vụ MH370 cũng nhờ đổi ca!
Báo Malaysian Insider cho biết lẽ ra nam tiếp viên 41 tuổi này không làm việc trên MH17 nhưng bất ngờ quyết định đổi ca. Trước chuyến bay định mệnh, ông vẫn gọi điện thoại về cho gia đình như mọi khi nhưng cha mẹ ông không còn cơ hội đãi cậu con trai duy nhất bằng bữa ăn tươm tất. Chỉ 131 ngày trước, vợ ông cũng đổi lịch làm việc với đồng nghiệp vào những phút cuối cùng và nhờ đó không phải bay trên MH370, chuyến bay định mệnh biến mất khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
Trong khi đó, cặp vợ chồng trẻ mới cưới người Úc Simone La và Juan Jovel vừa đáp máy bay về quê nhà không khỏi sững sỡ khi biết không còn ai sống sót trên chuyến bay MH17. Cặp uyên ương đặt vé chuyến bay này ngày 17-7 để bay tới Kuala Lumpur rồi về Úc. Nhưng họ quyết định bay sớm một ngày để kịp về nhà nghỉ ngơi trước khi đi làm lại.
Một cặp vợ chồng khác người Scotland - Barry Sim và Izzy - cũng may mắn thoát nạn khi đã đặt vé chuyến máy bay xấu số này nhưng do hết chỗ nên phải chuyển sang máy bay của hãng hàng không quốc gia Hà Lan (KLM).
Đỗ Quyên
Bình luận (0)