Trong khi truyền thông phương Tây phản ứng ồn ào và gọi Tu-142 là "khách không mời" của cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, phía Nga gọi đây là hành trình bay thường lệ.
Máy bay ném bom Tupolev TU-142 của Nga. Ảnh: Wikinow
Đài RT (Nga) hôm 3-11 cho biết Tu-142 xuất hiện trên không trung vào đúng lúc các lính thủy đánh bộ trên tàu USS Mount Whitney – tàu đô đốc của Hạm đội 6 của Mỹ, tập trung trên boong tàu để chụp ảnh tập thể.
Sự xuất hiện của vị khách "không mời" mang lại cho quân Mỹ một cơ hội hiếm hoi được chứng kiến tận mắt chiếc máy bay ném bom Tu-142 của Nga vốn được NATO gọi với cái tên "Bear-F".
"Một máy bay trinh sát tuần tra biển tầm xa"- một lính thủy đánh bộ trên tàu USS Mount Whitney háo hức nói, sau khi dùng đôi mắt chuyên gia của mình soi kỹ vị khách "không mời".
Trang Military.com cho biết viên lính thủ đánh bộ trên tỏ ra rất thích thú bởi anh từng xem rất nhiều ảnh về chiếc máy bay Nga nhưng đây là lần đầu tiên được thấy nó "bằng xương bằng thịt".
Tuy nhiên, một số tờ báo lá cải, trong đó có The Sun (Anh), lại nói rằng máy bay Nga "đang mạo hiểm chiến tranh với 29 nước liên minh".
Phía Nga đã bày tỏ rõ ràng sự bất bình với cuộc tập trận Trident Juncture 18 (Đinh ba Giáp chiến) của NATO – cuộc tập trận lớn nhất của liên minh này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Moscow đã cảnh báo cuộc tập trận kéo dài 2 tuần này – được xem là một cuộc phô diễn sức mạnh chống Nga, sẽ không thể diễn ra mà không vấp phải phản ứng.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 3-11 cho biết 2 chiếc Tupolev TU-142 đã tiến hành một chuyến bay theo kế hoạch trong hơn 12 giờ.
"Tất cả các chuyến bay của các máy bay tuần tra biển của hạm đội Nga được tiến hành theo các quy định không phận quốc tế"- Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Hồi tuần trước, Moscow cũng thông báo các kế hoạch thử tên lửa trong khu vực. Theo Avinor – cơ quan vận hành các sân bay dân dụng ở Na Uy, Nga đã gởi một NOTAM (thông báo tới các hãng bay) về các vụ thử tên lửa từ ngày 1-3/11 tại biển Na Uy.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng bất cứ vụ thử tên lửa nào cũng không làm thay đổi kế hoạch tập trận của tổ chức này.
Sự xuất hiện của máy bay Tupolev nói trên được cho là một phần phản ứng của Nga với cuộc tập trận của NATO.
Tuy nhiên, Đại tá Garth Manger của Hải quân Hoàng gia Anh – phụ trách hoạt động vận hành trên tàu USS Mount Whitney, tỏ ra tự tin: "Họ quan sát chúng tôi và chúng tôi cũng quan sát họ"- ông Manger nhấn mạnh.
Giống như Tupolev, USS Mount Whitney cũng ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh. Chiếc tàu lớn tuổi thứ 3 của Hải quân Mỹ này đã hoạt động gần 50 năm qua.
USS Mount Whitney. Ảnh: Wikipedia
Được nâng cấp với hệ thống viễn thông mới nhất, USS Mount Whitney đang giữ vị trí tàu chỉ huy cho cuộc tập trận Trident Juncture.
Nói về sự xuất hiện của Tupolev gần tàu Mỹ, các sỹ quan cấp cao dịu giọng: "Chúng ta đang ở trên biển, ai cũng có quyền ở đây. Đây là vùng biển quốc tế, không phận quốc tế"- Đô đốc Guy Robinson của Hải quân Anh nói.
"Chúng tôi giám sát chặt chẽ tình hình. Mọi thứ trong cuộc tập trận đều diễn ra an toàn và chuyên nghiệp"- ông Robinson nói thêm.
Ông Jason Bohm, chỉ huy thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận chia sẻ: "Vấn đề lớn nhất chúng tôi gặp phải trong cuộc tập trận là thời tiết".
Bình luận (0)