Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) ngày 9-9 đã công bố báo cáo điều tra đầu tiên về thảm họa rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine hôm 17-7, khiến toàn bộ 298 hành khách và nhân viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Báo cáo cho biết chiếc máy bay xấu số bị vỡ giữa không trung sau khi trúng “một số lượng lớn vật thể từ bên ngoài di chuyển với tốc độ cao”. Hộp đen ghi âm buồng lái không cho thấy dấu hiệu của bất kỳ lỗi kỹ thuật hay tình huống khẩn cấp nào. Hộp đen chứa dữ liệu chuyến bay không ghi nhận tín hiệu cảnh báo an toàn, trong khi phi công cũng không hề mắc lỗi.
Các chuyên gia Hà Lan khẳng định một số lượng lớn vật thể tốc độ cao đã xuyên thủng máy bay từ bên ngoài
Ảnh: AP
Theo ông Richard Westcott, chuyên gia bình luận của đài BBC (Anh), báo cáo không khẳng định MH17 bị tên lửa bắn hạ nhưng những chi tiết đưa ra lại loại trừ bất cứ kịch bản nào khác.
“Không tình huống khẩn cấp, không vấn đề kỹ thuật, không có lỗi phi công. Báo cáo nhấn mạnh máy bay bị vật thể tốc độ cao đâm phải. Điều này nhất quán với giả thuyết hệ thống tên lửa BUK phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất vẫn chưa được trả lời: Ai đã bắn tên lửa?” - ông Westcott lập luận.
Trước khi báo cáo được DSB công bố, Phó Chủ tịch Liên đoàn Hàng không dân sự Nga Alfred Malinovsky cho rằng không thể tin cậy nó bởi “khó có khả năng những người sở hữu thông tin điều tra có sự khách quan cần thiết”. Hiện các chuyên gia Anh, Đức, Úc, Malaysia, Mỹ, Ukraine và Nga đang hợp tác điều tra. Dự kiến báo cáo cuối cùng được công bố vào thời điểm tròn 1 năm ngày MH17 bị bắn rơi trên bầu trời Donetsk.
Trong khi đó, hôm 8-9 đánh dấu tròn 6 tháng xảy ra một thảm kịch khác của hãng Malaysia Airlines - sự biến mất bí ẩn của chiếc máy bay mang số hiệu MH370. Một sự cố đáng tiếc đã xảy ra khi khoảng 30 thân nhân của những hành khách Trung Quốc trên chuyến bay này tập trung tại một ngôi chùa ở trung tâm Bắc Kinh để cầu nguyện.
Theo báo The Guardian (Anh), họ mặc áo thun có dòng chữ “cầu nguyện MH370 bình yên trở về”. Khi một người đọc bài thơ về chiếc máy bay mất tích thì cảnh sát xuất hiện và yêu cầu ông dừng lại khiến buổi cầu nguyện trở nên hỗn loạn.
Cùng ngày, Giám đốc Cục An toàn giao thông Úc Martin Dolan cho biết đội chuyên gia đang chuẩn bị cho đợt tìm kiếm mới trên biển kéo dài 1 năm, dự kiến tốn khoảng 47 triệu USD từ tháng 10 tới.
Bình luận (0)