Dựa trên dữ liệu radar quân sự, Reuters ngày 14-3 tiết lộ chiếc máy bay có thể đã bay về phía quần đảo Andaman và Nicobar trên Ấn Độ Dương. Dữ liệu này không cho thấy máy bay vượt qua quần đảo trên.
Quần đảo Andaman and Nicobar có diện tích trên 8.249 km2, bao gồm 572 hòn đảo, trong số đó 37 hòn đảo có người sinh sống. Vào tháng 2-2014, tờ The Indian Express (Ấn Độ) dẫn báo cáo của Bộ Nội vụ Ấn Độ cho rằng quần đảo Andaman và Nicobar hiện trở thành thiên đường cho các tổ chức khủng bố ẩn náu.
Nhưng ông Denis Giles, biên tập viên của báo Andaman Chronicle, quả quyết quần đảo của ông không có chỗ nào đủ để một chiếc Boeing 777-200 hạ cánh mà không gây chú ý. Đài CNN dẫn lời ông cho biết chính quyền Ấn Độ chỉ sở hữu 4 đường băng trong khu vực.
Thống chế Không quân Ấn Độ Vinod Patni, đã nghỉ hưu và nay là chuyên gia quốc phòng, nói hệ thống radar ở Andaman và Nicobar không làm việc liên tục. “Chúng được bật tắt theo yêu cầu. Vả lại, radar của Ấn Độ cũng không thuộc loại quá tinh vi. Có những lỗ hổng trong phạm vi quét của radar tại quần đảo này, tôi không thể nói rõ nhưng các phi công quá biết về chúng” – ông Patni giải thích.
Trong ngày 14-3, Ấn Độ điều động cả hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và không quân để tìm kiếm khu vực phía Tây của quần đảo Andaman và Nicobar. 2 máy bay “soi” trên mặt đất và các vùng ven biển từ phía Bắc xuống phía Nam trong khi 2 tàu tuần duyên đảo dọc theo bờ biển phía Đông.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak (thứ ba từ phải sang) dập đầu cầu nguyện cho những người trên chuyến MH370 tại một ngôi đền gần sân bay quốc tế Kuala Lumpur hôm 14-3. Ảnh: Tân Hoa Xã
Giả thuyết máy bay tiếp tục bay nhiều giờ sau khi mất tín hiệu mở ra khả năng một trong số các phi công hoặc ai đó có kinh nghiệm bay muốn bắt cóc máy bay và hành khách cho một mục đích nào đó hoặc muốn tự tử bằng cách lao máy bay xuống biển.
Ông Mike Glynn, thành viên của Hiệp hội Phi công Úc và Quốc tế, cho rằng giả thuyết phi công tự tử là có khả năng nhất. Từng xảy ra nghi ngờ như vậy đối với vụ tai nạn của máy bay hãng SilkAir khi trên đường bay từ Singapore đến Jakarta – Indonesia năm 1997 và máy bay của EgyptAir từ Los Angeles – Mỹ đến Cairo – Ai Cập năm 1999.
“Phi công có khả năng tắt hết các hệ thống liên lạc trên máy bay hơn là không tặc” – ông Glynn nói. Theo ông, có thể phi công chuyển hướng máy bay ra Ấn Độ Dương để giảm thiểu cơ hội phát hiện hộp đen và qua đó che giấu nguyên nhân của thảm họa. Trong trường hợp chiếc máy bay mang số hiệu AF447 của Air France, phải mất 2 năm mới tìm được hộp đen.
Thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 kiệt sức vì chờ tin
tại khách sạn ở Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 14-3. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)