Trong vài tuần trở lại đây, ngày càng có nhiều quốc gia thông báo mở cửa lại hoặc nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế nhập cảnh, trong đó có cả những nước từng kiểm soát biên giới vô cùng chặt chẽ để đối phó dịch Covid-19. Theo đài CNBC, các nước này phát đi tín hiệu cho thấy họ không còn có thể hoặc sẵn sàng chịu đựng những thiệt hại kinh tế do việc đóng cửa đất nước.
Sự lây lan của biến thể Omicron trên thế giới - cả ở những nước mở cửa và đóng cửa - khiến nhiều người chất vấn về hiệu quả của chính sách hạn chế biên giới.
Thêm vào đó, 54% dân số thế giới hiện đã được tiêm phòng (theo trang Our World in Data) trong lúc các phương pháp điều trị có thể ngăn chặn và chữa trị thành công ca bệnh nặng. Vì thế, nhiều chuyên gia đang "lạc quan một cách thận trọng" rằng giai đoạn mới của đại dịch có thể đang đến gần.
Úc thu hút nhiều chú ý vào đầu tuần này khi công bố kế hoạch mở cửa trở lại cho du khách đã tiêm vắc-xin từ ngày 21-2, qua đó khép lại chính sách đóng cửa biên giới gây tranh cãi lâu nay, áp dụng với cả công dân trong nước và người nước ngoài.
Tác động kinh tế từ chính sách này đang tăng, nhất là tình trạng thiếu lao động trầm trọng và ngành du lịch gặp thiệt hại. Ngoài ra, khi số ca Covid-19 tăng vọt trong tháng 12-2021, nhiều người không khỏi thắc mắc về mục đích hạn chế nhập cảnh đối với người đã tiêm chủng.
New Zealand cũng dự định chào đón du khách quốc tế đã tiêm chủng trở lại thông qua kế hoạch mở cửa lại gồm 5 bước. Trước mắt, nước này vẫn chưa cho phép người nước ngoài nhập cảnh cho đến tháng 7, trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Hành khách nước ngoài tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở TP Pasay - Philippines ngày 10-2 Ảnh: Reuters
Tại Đông Nam Á, nhà chức trách Philippines ngày 10-2 dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh kéo dài gần 2 năm đối với du khách nước ngoài nhằm giúp du lịch và các ngành liên quan phục hồi khi Omicron bớt lây lan.
Du khách đến từ 157 quốc gia có thỏa thuận miễn thị thực với Philippines, đã được tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm âm tính với virus, sẽ được chào đón trở lại. Họ cũng không còn phải cách ly sau khi đến.
"Chúng tôi sẽ bắt đầu chương tiếp theo trong lộ trình hồi phục" - Bộ trưởng Du lịch Philippines Berna Romulo-Puyat nói về quyết định nói trên. Quan chức này cũng cho rằng việc mở cửa lại biên giới sẽ khôi phục việc làm, tạo doanh thu cho các doanh nghiệp và cộng đồng liên quan đến du lịch.
Số liệu thống kê cho thấy hơn 1 triệu người làm công việc liên quan đến du lịch đã thất nghiệp trong năm đầu tiên của đại dịch tại Philippines.
Trước đó, theo Reuters, Hội đồng Phục hồi quốc gia Malaysia khuyến nghị nước này mở cửa trở lại cho du khách quốc tế sớm nhất là vào ngày 1-3. Người nhập cảnh dự kiến sẽ không phải cách ly khi đến, tương tự chính sách du lịch của Thái Lan và Singapore.
Còn tại Indonesia, đảo du lịch Bali vào tuần rồi vẫn mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm chủng, bất chấp số ca nhiễm gia tăng tại nước này. Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia cho biết quyết định mở cửa lại Bali, từng bị hoãn trước đó, là nhằm phục hồi sức sống cho nền kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, một số quốc gia còn tính nới lỏng hơn nữa quy định nhập cảnh sau khi đã mở cửa cho du khách quốc tế. Tại châu Âu, các nước như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Na Uy, Thụy Điển… đã công bố kế hoạch bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với người nhập cảnh đã tiêm vắc-xin.
Riêng Thụy Điển hôm 9-2 dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng chống dịch và xét nghiệm Covid-19, ngay cả khi các nhà khoa học khuyến cáo cần kiên nhẫn hơn trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Thụy Điển Lena Hallengren nhấn mạnh Covid-19 sẽ không còn được xem là gây nguy hiểm cho cộng đồng tại nước này.
Bình luận (0)