Trong ngày đầu tiên của năm mới 2014, Triều Tiên khai trương khu trượt tuyết quy mô lớn tại đèo Masik, tỉnh Kangwon. Trước đó, trong ngày cuối cùng của năm 2013, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng tới kiểm tra lại toàn bộ và kết luận khu trượt tuyết vận hành rất hoàn hảo.
Kim Jong-un cũng tới kiểm tra lại toàn bộ hệ thống hoạt động của khu vực trượt tuyết. Ảnh: EPA
Hình ảnh ông Kim trên chiếc cáp treo của khu trượt tuyết được đăng tải trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA và báo giới phương Tây rầm rộ đăng tải lại.
Chỉ qua những hình ảnh này, không khó để nhận ra những chiếc xe trượt tuyết Canada, máy thổi tuyết Thụy Điển và dụng cụ cày tuyết của Đức và Ý. Thậm chí hãng tin AFP còn ghi nhận được một số hình ảnh thể hiện nhãn hiệu rõ ràng trên các thiết bị đó.
Câu hỏi khiến giới phân tích đau đầu là Triều Tiên đã làm thế nào để lách lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm đưa các trang thiết bị này về nước?
Khu trượt tuyết khai trương hôm 1-1
Chỉ vài tháng trước, Bình Nhưỡng bị nhà sản xuất Bartholet Maschinenbau AG Flums của Thụy Sĩ từ chối thẳng thừng yêu cầu mua gói thiết bị trượt tuyết trị giá 7,4 triệu USD với lý do không thể cung cấp cơ sở hạ tầng cho một cơ sở thể thao theo phong cách xa hoa như vậy. Lúc bấy giờ Bình Nhưỡng cực kỳ giận dữ và gọi quyết định của Thụy Sỹ là “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.
Bất cứ quốc gia Châu Âu nào cũng rất ngại nói chuyện làm ăn với Triều Tiên khi các thương vụ có “mùi xa xỉ”. Bởi sau đợt thử hạt nhân năm 2006, EU đã liệt kê một danh sách “các hàng hóa xa xỉ” cấm bán cho Bình Nhưỡng.
Trong danh sách này cũng nêu đích danh các trang thiết bị phục vụ cho các môn thể thao “nhà giàu” như trượt tuyết, golf và các môn thể thao dưới nước, cũng như “các phương tiện giao thông vận tải xa xỉ trên bộ, trên không và trên biển”. Càng khó khăn hơn khi cả Liên Hiệp Quốc cũng nhất quyết không nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên sau các đợt thử tên lửa liên tiếp trong thời gian qua.
Theo giám đốc điều hành hãng Areco của Anh – ông Johan Erling, không rõ làm thế nào có ít nhất 7 súng bắn tuyết của hãng này xuất hiện ở khu trượt tuyết của Triều Tiên. Ông Johan Erling cho rằng nhiều khả năng Bình Nhưỡng đã thông qua con đường môi giới để mua các sản phẩm này. Mỗi súng bắn tuyết này có giá từ 23.000-36.000 USD.
Được biết Areco cung cấp khoảng 40 sản phẩm cho Trung Quốc mỗi năm và các thiết bị của hãng này có mặt ở Triều Tiên trong những bức ảnh nói trên được sản xuất khoảng 1,5 năm trước.
Hiện mới chỉ có Areco lên tiếng về vụ việc, trong khi các hãng của Thụy Điển, Đức, Canada, Ý vẫn chưa đưa ra phản hồi.
Khu trượt tuyết tại Masik này được coi là một công trình “con cưng” của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên. Mới mở cửa hôm 1-1, khu trượt tuyết đã nhận được ít nhất 1 đơn đặt hàng quốc tế từ Bắc Kinh dành cho 4 người với gói tour trị giá gần 2.000 USD.
Bình luận (0)