Quân đội Thụy Điển gần đây dành sự quan tâm nhiều hơn cho đảo Gotland sau hơn 20 năm không ngó ngàng tới nó.
Một đơn vị vũ trang gồm 300 binh sĩ dự kiến được thành lập ở đó vào cuối năm tới.
14 xe tăng Leopard do Đức chế tạo nằm sâu trong một khu rừng trên đảo Gotland cũng được tân trang để sẵn sàng gia nhập quân đội.
Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, có tới 15.000 – 20.000 quân nhân đóng tại đây nhưng hiện các doanh trại cũ đã biến thành văn phòng chính quyền địa phương.
Để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đơn vị vũ trang 300 người nói trên, Thụy Điển có thể tốn một khoảng thời gian kha khá vì sau hơn 2 thập kỷ, bầu không khí quân sự hầu như không còn hiện diện trên hòn đảo có 57.000 cư dân sinh sống này.
Trung tá Stefan Pettersson, người được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng phòng thủ ở Gotland, cho biết: “Chúng tôi đang bị kẹp giữa một bên là NATO và bên còn lại là Nga. Thực tế Chiến tranh Lạnh chưa quay trở lại nhưng không khí ở vùng Baltic đang ngày càng nóng”.
Theo ghi nhận của giới chức Thụy Điển, máy bay quân sự Nga thường xuyên vi phạm không phận nước này. Trước đó, vào năm 2014, nước này xôn xao cả tuần trước thông tin một “tàu ngầm Nga” ẩn mình trong vùng nước nông ngoài khơi quần đảo Stockholm.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist cho biết máy bay Nga hoạt động ngày càng tích cực và bay sát máy bay Thụy Điển hơn. “Những gì chúng tôi thấy là có rất nhiều cuộc tập trận và hoạt động quân sự tại biển Baltic” – bộ trưởng Hultqvist lo ngại.
Dĩ nhiên không ai ở Thụy Điển tin rằng Nga sẽ khởi động một cuộc tấn công vô cớ vào một nước ngoài Liên Xô nhưng Moscow đang bị xem là ngày càng khó lường. Vụ sáp nhập bán đảo Crimea và việc Nga bị cáo buộc can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine là những minh chứng rõ ràng nhất gần đây.
Dù với bất cứ lý do nào, Thụy Điển cũng bắt đầu tăng chi tiêu quốc phòng và tập trung vào an ninh quốc gia và khu vực sau hơn 2 thập kỷ ưu tiên cho các hoạt động quốc tế.
Hồi tháng 12-2012, một báo cáo của Trường ĐH Quốc phòng Thụy Điển tiết lộ thông tin gây sốc: quân đội nước này chỉ có khả năng tự bảo vệ lãnh thổ trong vòng 1 tuần nếu xảy ra chiến tranh. Năm 2013, không quân Thụy Điển không kịp ứng phó vụ 6 chiến đấu cơ Nga mô phỏng một cuộc tấn công vào Stockholm, qua đó cho thấy lực lượng vũ trang nước này khá yếu.
Đó có thể là lý do làm bùng lên một cuộc tranh luận rằng Thụy Điển có nên gia nhập NATO để tranh thủ sức mạnh quân sự của các đồng minh. Năm 2012, chưa đến 1/5 người dân ủng hộ ý tưởng này nhưng hồi năm ngoái, một cuộc thăm dò cho thấy gần một nửa dân số Thụy Điển đồng ý gia nhập NATO.
Bình luận (0)