Hôm 18-4, Nga xác nhận có thêm 4.785 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên 36.793 trường hợp. Đây cũng là mức tăng ca bệnh kỷ lục của Nga trong 1 ngày, cao hơn 700 trường hợp so với số liệu ngày 17-4. Nga cũng ghi nhận thêm 40 người chết trong ngày, nâng số ca tử vong lên 313 người. Số trường hợp hồi phục và được xuất viện ở Nga là 3.057 người.
Ông Sergei Sobyanin bác bỏ phát ngôn của giáo sư Sergei Netesov, nhà virus học hàng đầu, rằng Moscow nhiều khả năng trở thành New York tiếp theo. "Tỉ lệ mắc bệnh trong thành phố đang tăng lên, nhưng không theo cấp số nhân và xa với kịch bản tồi tệ nhất. Như chúng ta thấy, New York rất giống với Moscow về quy mô và cấu trúc dân số" - thị trưởng Moscow nói.
Hôm 18-4, Nga xác nhận có thêm 4.785 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ. Ảnh: TASS
Cho đến nay, hầu hết các ca nhiễm bệnh của Nga được ghi nhận ở thủ đô Moscow. Từ cuối tháng 3, chính quyền TP Moscow yêu cầu 12 triệu cư dân ở trong nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác.
Phó thị trưởng Moscow Anastasia Rakova cảnh báo thành phố "sẽ đối mặt với những tuần khó khăn" phía trước. "Sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất đối với chúng ta. Tỉ lệ mắc bệnh cao nhất có thể xảy ra trong 2-3 tuần tới" - Phó thị trưởng Anastasia cho biết trong lúc Thị trưởng Moscow đảm bảo đủ giường trong 2 tuần.
Trong ngày 18-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã hoàn thành bệnh viện được thiết kế với 800 giường và khả năng mở rộng lên 900 ở ngoại ô Moscow sau 36 ngày. Đây dự kiến sẽ là một trong những trung tâm y tế hiện đại nhất của Nga, bao gồm khu vận hành, dịch vụ hồi sức và chẩn đoán.
Thị trưởng Moscow cũng gia hạn các hạn chế đi lại cho tới ít nhất là ngày 1-5. Họ chỉ được phép rời khỏi nhà để đi làm, dắt chó đi dạo, vứt rác hoặc ghé thăm cửa hàng gần nhất.
Bệnh viện bệnh truyền nhiễm được xây dựng với thời gian kỷ lục chỉ trong hơn 1 tháng tại Voronovsky ngoại ô Moscow. Ảnh: AP
Ở Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez tối 18-4 cho biết ông sẽ đề nghị Quốc hội nước này phê chuẩn việc gia hạn lệnh phong toả toàn quốc đến ngày 9-5, trong bối cảnh số người chết đã vượt mốc 20.000 người. Số ca nhiễm tại nước này hiện là 194.416, cao thứ hai thế giới sau Mỹ.
Theo ông Pedro Sanchez, dù gia hạn phong toả nhưng Tây Ban Nha sẽ có một số thay đổi trong thời gian tới. Kể từ ngày 27-4, các trẻ em dưới 12 tuổi sẽ được phép ra đường với một số điều kiện nhất định về an toàn.
Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ không được thực hiện đồng bộ trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha, mà sẽ tuỳ theo diễn biến dịch tại mỗi vùng. Từ ngày 19-4, chính phủ Tây Ban Nha cũng sẽ ấn định giá trần của một số mặt hàng bảo hộ y tế như khẩu trang.
Người dân ở ban công giữa lúc cách ly ở Ronda, miền Nam Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Người dân đeo khẩu trang tại nhà ga xe lửa ở Madrid. Ảnh: AP
Tại Anh, nước này ghi nhận thêm 5.525 ca nhiễm mới và 888 ca tử vong trong ngày 18-4, tiếp tục là quốc gia có số bệnh nhân tử vong cao nhất châu Âu. Như vậy, tổng số ca nhiễm tại nước này hiện là 114.217 trường hợp, trong đó 15.538 ca tử vong. Trước đó, giáo sư Anthony Costello của viện Sức khỏe Toàn cầu UCL, London - Anh, cho rằng chính phủ ứng phó với Covid-19 quá chậm chạp và cảnh báo hơn 40.000 người nước này có thể chết do Covid-19.
Trấn an các nhân viên y tế giữa lúc thiếu hụt đồ bảo hộ, Bộ trưởng Nhà ở Robert Jenrick khẳng định trong ngày 19-4, nước Anh sẽ nhận 84 tấn đồ bảo hộ y tế từ Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 400.000 bộ quần áo bảo hộ.
Bình luận (0)