Báo cáo trên báo động nhân loại đang từng bước tước đi tài nguyên của chính hành tinh mình đang sống và đẩy cuộc sống loài người đến chỗ nguy hiểm.
"Trừ khi chúng ta hành động ngay bây giờ để giảm đà mất đa dạng sinh học, làm suy yếu sức khỏe loài người ở hiện tại và tương lai" - ông Robert Watson, chủ tịch IPBES, tuyên bố tại cuộc họp báo. Ông nói thêm rằng đa dạng sinh học không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề kinh tế, phát triển, an ninh, xã hội và đạo đức.
Qua nghiên cứu khoảng 15.000 tư liệu khoa học và tài liệu của các chính phủ, 400 nhà khoa học đã nhận thấy rằng tốc độ thay đổi môi trường tự nhiên trong 50 năm qua là chưa từng có trong lịch sử loài người. Trong khoảng thời gian này, nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng gần 4 lần và thương mại toàn cầu tăng gấp 10 lần. Khi nền kinh tế phát triển, con người tiêu thụ nhiều hơn, lãng phí nhiều hơn, gây ô nhiễm nhiều hơn và làm tổn hại đến các hệ sinh thái đã nuôi dưỡng loài người.
Nhiều loài vật không còn môi trường sống. Ảnh: AP
Báo cáo cho biết 75% môi trường đất liền và 66% môi trường biển đã bị thay đổi đáng kể do hành động của con người. Trong khi đó, 3/4 các loại cây lương thực toàn cầu dựa vào sự thụ phấn. Tuy nhiên, hiện tượng giảm sút số lượng các loài thụ phấn như ong và bọ cánh cứng đe dọa sản lượng cây trồng toàn cầu hằng năm trị giá tới 577 tỉ USD.
Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm nhựa tàn phá các sinh vật biển đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1980. Ngoài ra, hằng năm có khoảng 300 triệu - 400 triệu tấn kim loại nặng, chất dung môi, bùn độc hại và chất thải công nghiệp khác hòa vào các đại dương trên thế giới.
Báo cáo trên lạc quan cho rằng có thể bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái bị suy thoái, từ các rạn san hô và thủy sản đến rừng và đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi phải thay đổi cấp bách phương thức hoạt động của các nền kinh tế, đòi hỏi các chính phủ hợp tác nhiều hơn, có các quy định cứng rắn hơn về ô nhiễm và chất thải. Ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng cũng phải thay đổi.
Bình luận (0)